THƯ TÒA SOẠN
Lật lại một lần để
dứt điểm
Hồ Sơ “Tuần Báo CÔNG
GIÁO & DÂN TỘC”,
nói chung, cái gọi
là “Ủy Ban Đoàn Kết CGVN”
Đôi lời mở đầu:
Sau
ngày bài viết của “linh mục ĐỎ” Trương Bá Cần xuất hiện trên tờ tuần báo CG&DT
số 1644 phát hành tuần lễ từ 15 đến 21-02-08[1],
những người, những cơ quan ngôn luận từ trước đến nay chưa hề một lần đụng chạm
đến tờ báo ngụy danh Công Giáo và Dân Tộc để phản bội Giáo Hội và Dân Tộc này
–kể cả cái gọi là UBĐKCG-, bỗng dưng náo nhiệt lên tiếng và mạnh miệng yêu cầu
nhà nước ra tay dẹp bỏ! Vài tiếng nói tiêu biểu: một chức sắc trong Giáo hội quê
nhà và một trang báo điện tử ở hải ngoại.
Mấy tháng gần đây, vì
không cưỡng được khát vọng chính đáng của tuyệt đại đa số tín hữu CG cùng đại
khối dân tộc trong và ngoài nước trước cuộc vận động bằng lời cầu nguyện của
giáo dân tổng giáo phận Hànội để đòi lại tòa Khâm Sứ cũ, trang báo điện tử tự
nhận là “Thông Tấn Xã CGVN” bắt đầu cất lên những tiếng nói lạ tai. (Phản ứng dị
thường của một giám mục miền Bắc cũng nằm trong chiều hướng ấy). Nó sẽ không đến
nỗi quá lạ tai nếu người chủ trương trang báo điện tử kể trên không kèm theo
những lời lẽ xỏ xiên nhằm “đá giò lái”[2]
tập thể tín hữu luôn trung thành với Tin Mừng của Chúa Giêsu và giáo huấn của
Hội Thánh, trong đó bao gồm cố TGM Nguyễn Kim Điền, các linh mục Chân Tín,
Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Hữu Giải, Phan Văn Lợi[3],
mà ngay từ những năm đầu sau khi miền Nam VN bị nhuộm đỏ, đã nhận ra bộ mặt thật
của những loại chủ chiên đội lốt sói rừng. Họ không chỉ công khai lộ diện trong
những cơ quan ngoại vi của đảng và nhà nước CS như tờ báo lá cải và cái Ủy Ban
kia, mà còn là những nhân tố được cấy sâu vào nội bộ Giáo Hội ở quê nhà.
Bài viết này chỉ nhằm
mục tiêu lật lại chồng hồ sơ cũ ghi dấu hơn ba thập niên hiện diện của báo CG&DT
và cái tổ chức tay sai có tên là UBĐKCGVN, để từ đấy tái xác định lập trường bất
di dịch của nhóm chủ trương Nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân, đồng thời giúp công
luận nhận ra những mưu toan ẩn giấu đàng sau những khuôn mặt tuy mang danh giáo
sĩ, giáo phẩm nhưng quan điểm lập trường luôn thay đổi như chong chóng, kiểu tắc
kè đổi màu hiện nay.
I.- Ba mươi ba năm -
một lập trường bất biến:
Là những tín hữu
Công Giáo Việt Nam, chúng tôi hằng thao thức và quan tâm tới thân mệnh chìm nổi
của Giáo Hội và Quê Hương, không phải gần đây hay lúc này, mà ngay từ những năm
đầu khi toàn thể lãnh thổ bị đặt dưới ách thống trị hà khắc của chế độ độc tài,
độc đảng vô thần cộng sản. Từ cuối thập niên 70, đầu thập niên 80, sau khi tạm
ổn định đời sống nơi xứ người, một số anh em đã quy tụ lại để cùng nhau sinh
hoạt trong lãnh vực truyền thông văn hóa, với phương tiện khởi đầu năm 1980 là
nguyệt san Đường Sống và từ 7 năm qua là nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân, bao gồm
cơ sở Văn Hóa Hy Vọng. Tất cả đều xuất phát từ nỗ lực làm việc trong tinh thần
liên kết, tín thác và cầu nguyện của nhóm Gioan Tiền Hô thuộc Phong Trào Học Hội
Kitô Giáo (Cursillo Movement) Giáo phận Orange từ ngót ba mươi năm qua.
Với những liên hệ
thân nhân, bằng hữu trong nước, với những nguồn tin quốc tế có được trong tầm
tay, anh em đã bám sát mọi biến chuyển ở quốc nội, đặc biệt những gì liên hệ tới
cảnh ngộ khốn cùng của các tôn giáo ở quê nhà, trong đó có Giáo Hội Công Giáo.
Cũng vì thế, trong suốt thập niên 80, đầu thập niên 90, nguyệt san Đường Sống đã
phản ánh khá đầy đủ những gì đã xảy ra trong lòng Giáo Hội và Quê Hương. Từ vụ
cộng sản dùng những thành phần Công Giáo cấp tiến để xua đuổi đức Khâm Sứ Tòa
Thánh ở miền Nam, ngăn cản quyết định của Vatican bổ nhiệm đức cha Nguyễn Văn
Thuận làm Tổng Giám Mục Phó Sàigon và sau đó bắt Ngài đi tù trong suốt 13 năm
dài, tới trường hợp Đức TGM Nguyễn Kim Điền bị bắt đi thẩm cung dưới danh nghĩa
“làm việc” tại Sở Công an Thừa Thiên trong suốt 120 ngày, chỉ vì Ngài nhất quyết
chống lại sự hiện hữu của cái gọi là UBĐKCGVN, một tổ chức ngoại vi của đảng và
nhà nước, để cuối cùng phải nhận lấy cái chết với nhiều nghi vấn! Từ những vụ
nhà nước cộng sản huy động lực lượng vũ trang khủng bố nhà thờ Vinh Sơn, Trung
Tâm Đắc Lộ, Dòng Đức Mẹ Đồng Công, Thủ Đức, bắt bớ hàng loạt linh mục, tới nỗ
lực của Hànội nhằm chống lại quyết định tôn phong 117 Chân Phước lên hàng Hiển
Thánh với sự tiếp tay của đám lmqd, kể cả những hành vi phụ họa của giám mục Bùi
Tuần. Bên cạnh những sự kiện ấy, tiếng nói can trường của những Ngôn Sứ đầu tiên
như đức cha Nguyễn Kim Điền, các linh mục Nguyễn Văn Lý, Chân Tín, giáo sư
Nguyễn Ngọc Lan cũng được anh em thường xuyên nhắc tới trên nguyệt san Đường
Sống. Và con đường ấy vẫn đang được tiếp nối bởi nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân
ngày nay, kể từ ngày linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý tái phát động cuộc đấu tranh
trường kỳ cho tự do tôn giáo, cho nhân quyền, nhân phẩm Việt Nam với sự tiếp tay
tích cực của nhóm linh mục Nguyễn Kim Điền và sự hưởng ứng nồng nhiệt của đông
đảo giáo dân thành tâm yêu mến Giáo Hội và quê hương, tiêu biểu là giáo sư
Nguyễn Chính Kết, một trong những cộng tác viên tiên khởi của nguyệt san Diễn
Đàn Giáo Dân.
II.- Xuất xứ tờ
CG&DT cùng chứng từ của người trong cuộc:
1/ Xuất xứ:
Tờ báo ra đời tại Paris, Pháp từ năm 1969, do lm Nguyễn Đình Thi lèo lái với sự tiếp tay nuôi dưỡng của lm Trần Tam Tỉnh và một nhúm tu sĩ, giáo dân thiên tả ở Âu châu. Sau ngày 30-4-75, lm Thi trao cho Nguyễn Văn Chín[4] 100 ngàn quan mới mang về Sàigòn ủy thác cho các lm Minh, Cần, Từ, Bích thực hiện tờ Công Giáo & Dân Tộc với mục tiêu trước mắt là khống chế các giám mục, vận động người Công Giáo tham gia “cách mạng” và xa hơn là sửa soạn trở thành tiếng nói của UBĐKCGYNVN để làm tôi mọi cho chế độ sau này.
2/ Mặt thật của tờ
báo qua chứng từ của những người trong cuộc:
Trong bản tường
trình nội dung buổi họp của tuần báo CG&DT ngày 11-5-76[5],
người ta đọc được những chi tiết sau đây:
a.- Dưới sự chỉ đạo
của MTTQ:
Theo giáo sư Nguyễn
Văn Trung[6]
thì ông được linh mục Trương Bá Cần cho hay:
“…sau mỗi số đều có
kiểm thảo với vụ báo chí… Tờ báo không phải của mọi người… mà là của vài người
nhận trách nhiệm trước Mặt Trận (Tổ Quốc). Tất cả những người cộng tác
chỉ là bỉnh bút và phải chịu sự quyết định của ban chủ trương (cắt xén, đăng hay
không đăng). Vì thế tờ báo giới hạn việc mời những người viết (anh Nguyễn Ngọc
Lan, LM Chân Tín không được mời)”.
b.- CG&DT dưới mắt
LM Nguyễn Hồng Giáo[7]:
* “Lệch lạc, nguy
hiểm về mặt thần học: Cung cách phê bình tôn giáo như những kẻ ở ngoài với
lời lẽ hằn học! Bài trên số 35 chỉ trích Lễ Tro với giọng hằn học, thô tục…”
c.- Chị Oanh:
“Trở lại bài số 45
(Đạo và Đời) về vấn đề cấm lễ Chúa Nhật để đi bầu. Thay vì tờ báo nói
thẳng: đây là một biện pháp của Nhà nước chuyên chế, phải chấp nhận thì
lại đi tìm tòi để đưa ra
lập luận này
nọ, có màu mè thần học để biện hộ, làm cho người đọc khó chịu và cho là
CG&DT theo đuôi Cách mạng!”
* Để chống chế, LM Huỳnh Công Minh nói:
“Chúng tôi xác nhận
không phải theo đuôi Cách mạng mà là cách mạng, là cán bộ. Tuy
nhiên vì là cán bộ cách mạng với niềm tin Kitô, do đó mới phải tìm ra một ý
nghĩa thần học cho mọi việc chúng tôi làm, chấp hành đường lối Cách mạng”.
* Chị Oanh đáp lại:
“Các cha nhận là cán
bộ. Người ta thường yêu quý cán bộ, và cán bộ chỉ có thể làm việc tốt mới được
dân yêu quý. Tại sao các cha nhận là cán bộ lại bị quần chúng Công giáo thù
ghét?”
* LM Trương Bá Cần lên tiếng:
“Tờ báo có chủ
trương và sẽ không thay đổi. Chẳng hạn khi viết về Thư Chung 1951, anh em
có thảo luận và nhất trí làm như vậy vì quyền lợi Dân tộc, Giáo hội…”
d.- Tiếng nói của
giới trẻ:[8]
*
Hồ Minh Điệp:
“Nói tới Cách
mạng thì đưa lên tận mây xanh mà không để ý tới tâm trạng quần chúng. Cái
đẹp họ chưa thấy đâu, mà chỉ thấy những khó khăn, phiền hà trước mắt…. Còn
nói tới Giáo hội thỉ chỉ toàn đả kích, gay gắt!
* Một người trẻ khác
với giọng run run muốn khóc:
“Tòa soạn muốn nói
gì thì nói nhưng bao nhiêu khó khăn, hậu quả đổ lên đầu bọn đi cổ động: bị
chửi, xé báo v.v… Chúng tôi muốn phản ánh nhưng tiếng nói của chúng tôi
không được nghe.!”
*
Hồ Minh Điệp:
“Không có gì phấn
khởi, tự hào. Chúng tôi thử làm một điều tra nhỏ và nhận thấy càng ngày càng ít
người mua báo. Số nhỏ còn mua là để: 1/ Cám ơn sự tử tế của anh em cổ động viên;
2/ Dùng tờ báo để làm bùa hộ mệnh, khỏi bị báo cáo là phản động… không
quấy rầy!”
*
Một cổ động viên khác lên tiếng:
“Những người mua
báo dài hạn dứt khoát không mua tiếp, có nơi trả lại tất cả số báo gửi bán
mà không thèm đòi hoàn tiền lại! …”
3/ Vẫn chuyện nội
bộ:
Trong lá thư gửi báo CG&DT ngày 08-5-1976[9],
Nguyễn Văn Chín, người đã theo lệnh lm Nguyễn Đình Thi ở Pháp mang 100 ngàn quan
mới về nước sau tháng 4-75 giao cho bốn “linh mục Cán bộ” Minh-Cần-Từ-Bích tiếp
nối thực hiện tờ CG&DT tại Sàigòn, đã công khai phê bình gay gắt tư cách của đám
đầu nậu về ba điểm: a/ Sử dụng tiền bạc mờ ám; b/ Sử dụng nhân sự bừa bãi; c/
Nội dung tờ báo nghèo nàn vì thái độ độc đoán của Trương Bá Cần.
a/ “Việc chi tiêu
của CG&DT nằm trong tay anh Bích và chị Bảo, nói đúng hơn của phe nhóm anh Bích…
Đó là chưa nói tới chị Bảo đứng tên Quản lý tài chánh CG&DT là điều không được
chỉnh lắm. Cho đến bây giờ gần một năm rồi, CG&DT chúng ta vẫn chưa làm chuyện
công khai hóa việc chi tiêu của tờ báo cũng như những ngân khoản mà tờ báo nhận
được từ nước ngoài hay tại VN qua tiền bán báo. Có một cái gì mờ ám trong
việc CHI THU của CG&DT?
“Thiết tưởng đã đến
lúc CG&DT phải công khai hóa một cách minh bạch, chính xác việc THU CHI với mọi
người VN Kitô giáo tiến bộ và với Nhân dân VN (chứ không phải chỉ với ngân hàng
mà thôi)… Đừng nên chơi trò “cả vú lấp miệng em”! Chín không hiểu tại sao anh
Bích, anh Minh không chịu thành lập công khai một Ban Quản Trị tài sản chung của
CG&DT?…”
(Những phanh phui trên đây về chuyện lem nhem tiền bạc của CG&DT do chính người
anh em của nhóm này là Nguyễn văn Chín đưa ra chỉ một năm sau ngày tờ báo ra
đời. Nhiều năm sau này, khi chế độ đã bước vào giai đoạn “Kinh tế thị trường
theo định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa” có lần Vương Đình Bích đã
gửi đơn tới cơ quan
Nhà nước tố cáo người anh em “linh mục cán bộ” của ông là Phan Khắc Từ về chuyện
vợ con lôi thôi và những chuyện bất minh về tài sản của tờ báo và của UBĐK!
Trong bài viết có
nhan đề là “Hồ sơ Tứ Nhân bang” xuất hiện trên mạng lưới Đàn Chim Việt gần đây,
nhà văn Nguyễn Văn Lục cho hay: “Ông Vương Đình Bích đã gửi văn thư hạch hỏi,
tố giác ông Phan Khắc Từ về những lem nhem tiền bạc, về tổ chức, về chuyên một
vợ hai con của ông. Cháy nhà mới ra mặt chuột. Tiền bạc vốn tài trợ ngoại quốc
ngót nghét 150 ngàn Mỹ kim. Vốn vay để thêm thu nhập cho tờ Công Giáo và Dân Tộc
như xí nghiệp làm bút bi, quạt trần, đỡ đầu cho công ty Tinh Hoa vay vốn 2 tỷ để
lập nhà máy may mà trồng 33 mẫu cao su, rồi đầu tư với công ty Singapore, đầu tư
khách sạn Đại Kết, trường ngoại ngữ Nguyễn Trường Tộ, trường dạy nghề may và vi
tính Bạch Đằng v.v...”.
b/ “Vì cách dùng
tiền của CG&DT loạng quạng, thiếu sự lãnh đạo tập thể, nên cách dùng người
cũng loạng quạng luôn… Như trường hợp anh Bích để chị Bảo giữ vai trò quản
lý, chị Lan phát hành, chị Thảo nhà in, anh Cần biên tập. Thế là CG&DT ‘giáo sĩ
trị rồi’ còn chi nữa?… Thế là anh Bích dùng người theo tình cảm của riêng anh,
chứ đâu phải của tập thể?… Anh Minh “ba phải”, nhu nhược, quá lệ thuộc vào anh
Cần, nhất là về mặt tư tưởng… Tiền và quyền đã đánh mất anh em… Anh Bích
không nắm vững Thần Học Tin Mừng…”
c/. “Vì thiếu tính
tập thể trong tổ chức CG&DT nên cách chọn bài đăng cũng chưa dựa vào tiêu chuẩn:
Vì lợi ích quần chúng, vì cách mạng để chọn bài… Đáng lý những bài xã luận phải
là công việc của tập thể, vì là bài quan trọng nhất… để phục vụ cách mạng, nhưng
Chín nhận thấy chỉ để cho cá nhân anh Bích và anh Cần viết rồi đăng… gây nên
tình trạng “tiền hậu bất nhất” trong chính nội dung tờ báo, và nhất là mất hẳn
tính quần chúng… Có một số bài viết đăng không đúng lúc, nên mang tính cách tố
cáo hơn là xây dựng…:
Trong suốt thời gian trước biến cố tuyên Thánh cho 117 Chân Phước Tử Đạo, tờ
CG&DT đã trở thành cơ quan đầu não chuyên chở những bài viết của những lý thuyết
gia cộng sản tầm cỡ như Nguyễn Khắc Viện, Trần Bạch Đằng, với sự phụ họa tích
cực của Trương Bá Cần, Thiện Cẩm, Vương Đình Bích, Nguyễn Thiện Tòan, Huỳnh Công
Minh, giám mục Bùi Tuần nhằm vô hiệu hóa quyết định của Tòa thánh và HĐGMVN.
Riêng GM Tuần đã sang tận Rôma để để vận động TT bỏ việc tuyên Thánh nhưng thất
bại.
III.- UBĐKCGYNVN qua chứng từ của giáo sư Nguyễn Ngọc Lan
Để độc
giả nắm bắt được cội nguồn của UBĐKCGYNVN cùng những liên hệ nhân quả với tờ
CG&DT cũng như những nhân vật đầu não, gổm “lm Đỏ” họ Trương trong “Tứ Nhân
Bang”, xin trích lại một vài đoạn trong bài đọc lại Nhật Ký của cố giáo sư
Nguyễn Ngọc Lan (NNL)[10]:
Trước
hết, một câu hỏi được đặt ra: Đâu là nguồn gốc và nguyên do sự ra đời của
UBĐKCGYNVN? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta lật trang 98 Nhật Ký 89-90 ghi ngày
11-8-89. Ở đây, NNL đã lược thuật lời LM Phạm Hân Quynh trong cuộc phỏng vấn của
báo La Croix ở thủ đô Pháp quốc. Được biết, Cha Quynh từng bị CS cầm tù và quản
thúc trong ngót 30 năm trường ở miền Bắc và mới được trả tự do hồi cuối năm 1988
chỉ vì quyết liệt chống lại chủ trương can thiệp thô bạo của chúng vào nội bộ
GHCG.
NNL
viết: "Đặc biệt trong bài phỏng vấn, LM Quynh đã cho biết, vào năm 1960, ông
đã bị bắt giữ vì đã ra mặt chống
lại cái gọi là UBLLCGVN". Là người luôn luôn chủ trương là nếu cần có sự đối
thoại giữa GHCG và Nhà Nước Cộng Sản thì sự đối thoại ấy phải được thực hiện
trên căn bản bình đẳng, tương kính, không qua trung gian nào, do đó Cha Quynh
quyết liệt "chống lại vai trò trung gian
gây nhiễu của UBLLCGVN để giới hạn ảnh hưởng không tốt đẹp của nó về phía người
CG." Vẫn trong bài phỏng vấn của báo
La Croix, Cha Quynh cho biết là mặc dầu
"người ta
đã giải tán UBLLCGVN...nhưng sau đó lại lập ra một
tổ chức mới gọi là UBĐKCGYNVN"
(Nhật
Ký 89-90, tr. 98, ngày 11-8-89)
Tiết lộ trên đây của cha Quynh cho người ta thấy cái gọi là UBĐKCGYNVN ngày nay
chính là thối thân của UBLLCGVN do bạo quyền Cộng Sản nặn ra cách đây 40 năm. Và
hiển nhiên nó chỉ là một tổ chức ngoại vi của Đảng Cộng Sản xuyên qua cái mặt
nổi là Mặt Trận Tổ Quốc để Nhà Nước giật giây hầu dễ dàng can thiệp vào những
vấn đề nội bộ của GHCG.
(…)
Nơi
trang 58 Nhật Ký 89-90, NNL đã ghi lại nội dung một bài báo đăng trên tờ Saigon
Giải Phóng ngày 12/5/1989 với tiêu đề "Người nghèo, y tế nghèo và những nỗi
thương tâm". Bài báo ghi nhận một sự thật phũ phàng trong một nước gọi là Xã
Hội Chủ Nghĩa: "Dù muốn dù
không, chúng ta cũng phải buộc lòng thừa nhận rằng hầu hết các bệnh viện, tùy
theo mức độ khác nhau, đều có chuyện "miễn giảm cho người giầu có, và tận thu
những người nghèo"(!). Ở một đoạn khác, bài báo viết:"Nếu như giấy xác
nhận hoàn cảnh khó khăn từ tay một số người ‘hiệu lực như thần’ thì cũng chính
giấy đó lại trở nên không mấy tác dụng khi nằm trong tay người nghèo khổ thực
sự!"
Sau khi
ghi lại mấy đoạn chủ yếu của bài báo như trên, tác giả Nhật Ký đặt câu hỏi:
"Mấy anh Linh Mục bi bô thần học giải phóng trên tờ CG&DT có dám mở mắt ra
trước những thực trạng như vậy không?" (Nhật Ký 89-90, tr. 58, ngày
12-5-89)
Cũng
trong Nhật Ký 89-90, nơi trang 180, 181, NNL đã chép lại những ghi nhận của Thái
Duy trên tờ Sàigon Giải Phóng dưới tiêu đề "Đôi điều suy nghĩ về kỳ họp Quốc
Hội vừa kết thúc".
Thái
Duy viết: "Tại kỳ họp Quốc Hội năm 88, chị Giàng A Dụ, dân tộc Mèo đã nói:...
khi còn đang đánh Mỹ, bà con các
dân tộc ở tỉnh chị cực khổ, chị gặp bao giờ cũng động viên ráng chịu đựng đến
ngày giải phóng. Sau khi đã giải phóng cả nước, chị lại động viên bà con ráng
chịu cực khổ vài năm nữa để còn giành tiền xây dựng lại đất nước. Tới nay
đã giải phóng 13 năm rồi mà bà con vẫn thiếu muối, bệnh tật vẫn như xưa, mù chữ
trở lại rất đông, lãnh đạo xã cũng có người mù chữ, đường sá chẳng có hoặc hư
hỏng chẳng sửa chữa, chị không còn biết nói thế nào với bà con. Chẳng lẽ cứ nói
dối mãi". Gặp lại chị kỳ họp thứ 6
này, tôi hỏi chị có phát biểu ý
kiến không thì chị trả lời: tôi
chẳng nói nữa Năm ngoái tôi đã nói, nhưng từ đó đến nay đã một năm, chẳng hơn
trước chút nào!"
Tiếp
đó, tác giả ghi vào Nhật Ký của ông nỗi thất vọng ê chề của một phụ nữ Việt Kiều
qua sống ở Canada từ năm hai
tuổi trở về thăm đất nước để phải chứng kiến một đất nước tan hoang, nghèo khó.
Lập lại câu nói của chị Giàng A Dụ
là "chẳng lẽ cứ nói dối mãi", tác giả đưa ra ý nghĩ riêng của ông: "Ít
ra chị Giàng A Dụ kia vẫn còn một chút lương tri. Khác hẳn mấy ngài Linh Mục
của tờ báo Công Giáo và Dân Tộc."
Mấy
ngài LM đó là ai và tờ CG&DT có được coi là cơ quan ngôn luận của GHVN
không? Rải rác trong hai tập Nhật Ký, NNL đã cung ứng cho người đọc một câu trả
lời thật chính xác.
Đó là
các "linh mục" kiểu Phan Khắc Từ, Trương Bá Cần, Huỳnh Công Minh, Thiện Cẩm, và
chân tướng của tuần báo CG&DT không gì khác hơn là cái loa của UBĐKCGVN, hay nói
cho chính danh hơn là công cụ của Đảng và Nhà Nước CSVN. Mời độc giả lật qua
những giòng Nhật Ký ghi ngày 20-01-91 trang 237 trong tập Nhật Ký 90-91 để thấy
rõ bộ mặt thật của cái gọi là UBĐKCGVN và tiếng nói của họ là tờ CG&DT. Bộ mặt
thật này không phải do NNL vẽ ra, mà chính là do Đức Cha Nguyễn Minh Nhật, Chủ
Tịch HĐGMVN phát hiện khi lên tiếng trả lời cuộc phỏng vấn của báo Église
d'Asie.
Đề cập
cái gọi là UBĐKCGVN, Đức Cha Chủ Tịch đã thẳng thắn trả lời nguyên văn bằng Pháp
ngữ như sau: "Le Comité (d'Union des
Catholiques Patriotes) détient l'unique journal Catholique du Sud-Viet-Nam.
Cependant l'un comme l'autre doivent être considérés plutôt comme des organes de
l'Eùtat. Les articles du journal sont toujours en faveur de la politique
gouvernementale et sont très souvent critiques vis-à-vis de
l'Église. Ils ne donnent pas une idée juste de l'Église du Vietnam....”(Tạm
dịch: Ủy Ban (Đoàn Kết Công Giáo Yêu Nước) nắm giữ tờ báo Công giáo duy nhất ở
miền nam Việt Nam. Tuy nhiên, cả hai đều được coi như những bộ phận của nhà
nước. Những bài viết trên tờ báo luôn ngả theo quan điểm chính trị của nhà cầm
quyền và thường chỉ trích Giáo hội. Chúng đưa ra một ý tưởng sai lạc về Giáo Hội
Việt Nam).
Ở một đoạn khác, Đức Cha Nguyễn Minh Nhật còn nhấn mạnh rằng: "Deux des représentants (du Comité) m'ont apporté une lettre dans laquelle ils se plaignent d'être soupconnés à la fois par le gouvernement et par la hiérachie catholique qui les considère comme un instrument de contrôle du gouvernement. Je leur ai répondu que ces soupcons étaient fondés. Ils ont perdu la confiance des catholiques." (Tạm dịch: Hai đại diện (của Ủy Ban) trao cho tôi một lá thư trong đó họ phàn nàn là bị cả chính quyền lẫn các cấp trong Giáo hội nghi ngờ. Hàng Giáo Phẩm coi họ như một công cụ của chính quyền để kiểm soát Giáo hội. Tôi đã nói với họ rằng sự hoài nghi ấy có cơ sở. Họ đã đánh mất niềm tin tưởng của người Công giáo rồi).
(…)
Đặt giả
thiết là nếu Nhật Ký NNL tiếp tục ghi tới kỳ hội nghị thường niên của HDGMVN
cuối năm 93 (từ 18 đến 26-10-93) thì hẳn rằng tác giả sẽ không thể bỏ qua sự
kiện hàng Giáo Phẩm trong nước đã công nhiên bác khước vai trò và sự hiện diện
của tuần báo CG&DT. Được biết, trong một kiến nghị gửi Võ Văn Kiệt, người cầm
đầu chính phủ VNCS, ngày 26/10/1993 sau khi kết thúc khóa họp, Hội Đồng GMVN đã
đưa ra 16 yêu sách bao gồm 3 lãnh vực: Mục vụ, nhân sự và các cơ sở trong Giáo
Hội. Trong yêu sách thứ tư, các Đức Giám Mục đòi hỏi phải được xuất bản
một tạp chí "để thông tin,
phản ảnh các sinh hoạt và trình bày giáo lý của Giáo Hội" vì lẽ
"Hiện nay, Giáo Hội chưa có một tờ báo Công Giáo nào."
Khi
HĐGMVN nhất trí xác định là "hiện nay, Giáo Hội chưa có một tờ báo Công
Giáo nào" thì quả thật đã quá rõ ràng là dưới mắt các vị chủ chăn của
chúng ta, sau ngót 20 năm ngạo ngược tiếm danh Công Giáo để làm mưa làm gió, cái
gọi là tuần báo CG&DT chưa bao giờ được các Ngài cũng như tập thể tín hữu CG
trong nước coi là tiếng nói của Giáo Hội.
(…)
Tại sao
các Đức Giám Mục Việt Nam lại nghĩ rằng cho đến nay, Giáo Hội chưa có một tờ báo
nào? Câu trả lời tìm thấy quá rõ ràng qua lời tuyên bố của Đức Cha Nguyễn Minh
Nhật trong cuộc phỏng vấn của báo Église d'Asie được trích dẫn ở đoạn trên. Câu
trả lời cũng có thể được tìm thấy qua phần đầu bức thư của giáo sư NNL gửi những
người chủ trương tuần báo Công Giáo và Dân Tộc ngày 26/6/1985 mà ông đã trích
vào Nhật Ký như sau:
"Chỉ
căn cứ vào những gì tôi đã thấy trong 1/10 số báo CG&DT mà tôi
đã đọc
(kể cả số 40 không bao giờ tới tay độc giả), tôi dám nghĩ rằng 10 năm Báo CG&DT
vừa qua đã cung cấp dư thừa chất liệu cho một Tây Dương
Gà Tồ Bí Lục..."*
(Nhật Ký 89-90, tr. 151, ngày 25-11-89)
(*
Chú thích của người đọc NK/NNL: Tác giả nhái lại tựa đề
"Tây Dương Gia Tô Bí Lục"
một cuốn sách do tập đoàn Cộng Sản trong nước tung ra trong chiến dịch
bôi bác GHCG nhân dịp Tòa Thánh quyết định tôn phong 117 anh hùng Tử Đạo Việt
Nam lên hàng Hiển Thánh, và sau đó đã được một nhóm tay sai ở hải ngoại phụ họa.
Rõ ràng là khi so sánh nội dung tuần báo CG&DT với loại ấn phẩm tồi tệ kiểu
TDGTBL, Giáo Sư NNL muốn người đọc hiểu rằng trước sau tờ CG&DT chỉ là một thứ
công cụ của Đảng và Nhà Nước đã tiếm lạm danh nghĩa Công Giáo để lũng đoạn và
gây nhiễu tập thể Công Giáo mà thôi).
Trong
phạm vi một bài điểm sách, người viết không thể trích dẫn được hết những chứng
tích, ít nhất là những chứng tích được NNL ghi vào Nhật Ký của ông. Tuy nhiên,
chỉ căn cứ vào những bí ẩn chung quanh hai số CG&DT: số 40 đề ngày 4-4 – 10-4-76
(bị tịch thu) và số kép 40-41 đề ngày 28-3 –10-4-76 (số đặc biệt sửa sai) người
ta có thể đọc được nơi những người chủ trương tờ báo và cũng là linh hồn của cái
gọi là UBĐKCGYNVN như Trương Bá Cần, Huỳnh Công Minh, Phan Khắc Từ, Thiện Cẩm...
hai đặc điểm sau đây:
- Thứ
nhất là thái độ
tự bôi xóa tư cách người tín
hữu (và dĩ nhiên là cả tư cách LM).
- Thứ
hai là thái độ lệ thuộc hoàn toàn vào sự sai khiến của Đảng và Nhà Nước CS.
Chúng
ta hãy đọc lại một đoạn trong bài viết nhan đề
"Các Đức Giám Mục VN hôm nay với Thư
Chung của các Đức GM Đông Dương năm
1951". Bài này ký tên Hương Giang và được đăng trên số 40 vừa phát hành thì
bị tịch thu, sau đó được "sửa sai" để
đăng lại trên số kép 40/41 ký tên Trương Bá Cần (được biết Hương Giang là bút
hiệu của Trương Bá Cần)[11].
Trên số
40: "Đọc toàn bộ Thư Chung về Thống Nhất
ngày 22-11-1975, người ta thấy Đức TGM Nguyễn Văn Bình đã có chiều hướng đi tới
khá rõ rệt. Nhưng đây chỉ là tiếng nói của một TGM và tiếng nói đó không phải
luôn luôn rõ ràng và dứt khoát. Có lúc người ta có cảm tưởng
như Đức TGM Nguyễn Văn Bình muốn tránh né. Trong bài nói trên máy truyền
hình đêm 24-12-75, Đức TGM Nguyễn Văn Bình đã gửi lời chào mừng đặc biệt đến các
vị lãnh đạo Cách Mạng (thay vì nói: lãnh đạo Đảng và Nhà Nước). Trong tài liệu
học tập về bầu cử quốc hội chung cả nước, Đức TGM Nguyễn Văn Bình kêu gọi các
LM, tu sĩ và toàn thể tín hữu phải "nhìn nhận sự lãnh đạo của Cách Mạng" (thay
vì nói: sự lãnh đạo của Đảng)**.
"Thực
ra đây không phải chỉ là vấn đề từ ngữ, mà là vấn đề thái độ và lập trường..."
Sau khi
số 40 bị tịch thu, đoạn văn trên đây đã được chỉnh lại để đăng trên số 40-41:
"Đọc toàn bộ Thư Chung về Thống Nhất ngày
22-11-1975, người ta thấy Đức TGM
Nguyễn Văn Bình đã có chiều hướng đi tới khá rõ rệt. Thực ra, vấn đề là thái độ
và lập trường. Thực vậy, Thư Chung năm 1951, với những nhận định sai lạc về
người Cộng Sản và Đảng Cộng Sản đã giam hãm người CGVN trong một lập trường và
thái độ chống cộng rất tai hại. Nay nếu vì tế nhị không muốn nói rằng những nhận
định của các Đức Giám Mục Đông Dương năm 1951 là sai lầm, thì
các Đức GM Việt Nam hôm nay cũng phải nói rõ ràng những nhận định của
mình về người CS và Đảng CS một
cách rõ ràng và dứt khoát, không mập mờ và không tránh né..."
Cả một
đoạn dài trên số 40, từ "nhưng đây chỉ
là... cho đến (thay vì nói: sự lãnh
đạo của Đảng)", đã "được" Trương
Bá Cần cây bút đầu não của tờ CG&DT thừa lệnh cấp trên
"tự ý" đục bỏ (!) để uốn lưỡi viết
lại khi tái đăng trên số kép 40-41.
Sau khi
đối chiếu để giúp độc giả thấy rõ sự khác biệt giữa hai đoạn văn trên, tác giả
Nhật Ký kết luận: "Như vậy là số 40 của
tờ CG&DT đã bị tịch thu chính là vì đã sốt sắng quá độ. May mà phía Nhà
Nước đã tỏ ra tỉnh táo hơn, chứ nếu không có cú thắng lại đó thì đám ăn hại đái
nát này chỉ vài ba năm sau sẽ sẵn đà "dứt khoát" như thế mà lên tiếng đòi Đức
Cha Bình phải xin được kết nạp vào Đảng CSVN luôn!” (Nhật Ký 89-90, tr.
151-152, ngày 25-11-89)
(** Chú
thích của người đọc NK/NNL: Xin lưu
ý độc giả là những đoạn để trong ngoặc đơn
(thay vì nói:
lãnh đạo Đảng và Nhà Nước) là những
đoạn nhấn mạnh nằm trong bài viết của Hương Giang TBC ở số 40 bị tịch thu. Ông
"Linh Mục Quốc Doanh" này đã đóng vai
trò "phán quan" của Đảng CS để
"lên lớp" Đức Cha Bình là muốn tránh
né, không dứt khoát tư tưởng nên mới dùng chữ
"lãnh đạo Cách Mạng" trong khi theo
"ông ta" thì phải dùng những từ ngữ
"chính xác" hơn là "lãnh đạo Đảng và
Nhà Nước”).
Đọc qua những chứng từ trên đây, người tín hữu CGVN ở hải ngoại, nhất là những
người ít có dịp theo dõi tình hình
Giáo Hội quê nhà, sẽ không khỏi giật mình sửng sốt. Tuy nhiên, đối với bà con
hiểu chuyện, có lẽ chẳng mấy ai ngạc nhiên. Bởi lẽ giản dị là sau ngày CS làm
chủ miền Nam thì vàng thau, chân giả đã được phân biệt rõ ràng. Sau cơn
"cháy nhà", những khuôn mặt
"chuột" đã để lộ nguyên hình.
Chính thiểu số này đã xúi bẩy một nhóm giáo dân a dua, nhẹ dạ biểu tình trước
Tòa TGM Sàigon vào những ngày đầu Sàigon mới bị nhuộm đỏ, đòi trục xuất Đức Khâm
Mạng Tòa Thánh và chống đối lại việc bổ nhiệm Đức TGM Phó Nguyễn Văn Thuận, mở
đường cho bạo quyền CS bắt giam và đầy ải Ngài trong hơn mười năm, trước khi
cưỡng bách Ngài phải lưu vong ra ngoại quốc. Cũng chính nhóm
"Tu Sĩ
Quốc Doanh" trong cái tổ chức gọi là
UBĐKCGVN mà cái loa của họ là tờ tuần báo CG&DT đã
"nối giáo cho giặc", ngăn cản việc TT
bổ nhiệm đức cha Huỳnh Văn Nghi về TGP Sàigòn và chỉ đường vẽ lối cho CS tước
đoạt các cơ sở của GH, kể cả Thánh Đường, Tòa Giám Mục, trường ốc, tu viện,
trong đó có Giáo Hoàng Học Viện mà cho tới nay, HĐGMVN đã nhiều lần lên tiếng
đòi trả lại nhưng vẫn không được bạo quyền CSVN đáp ứng.
IV.- Khi những con
rối đã làm xong nhiệm vụ:
Trước sau, dưới mắt đảng và nhà nước CS, UBĐKCG và cái loa của họ là tờ CG&DT
chỉ là một thứ “con rối” được nặn ra để chịu sự giật giây. Mục tiêu lớn nhất của
Hànội là muốn noi gương quan thày Bắc Kinh biến GHCGVN thành một Giáo Hội tự
trị, tách khỏi ảnh hưởng của Vatican. Mưu toan này được phát hiện trong hai kỳ
đại hội của UB ở Hànội và Sàigon với sự điều phối của Ban Tôn Giáo và Mặt Trận
Tổ Quốc năm 1987, nhưng vào phút chót tuyệt đại đa số đại biểu được mời tham dự
đã từ chối biểu quyết với lý do không đủ thẩm quyền.
Sau khi bị thất bại trong mục tiêu kể trên, đảng và nhà nước CS tận dụng những
“con rối” vào mục tiêu thâm nhập để lũng đoạn nội bộ GH, trong đó vấn đề đạo
tạo tu sĩ, linh mục là mục tiêu hàng đầu. Những bài học thu lượm được qua tổ
chức “linh mục yêu nước” Ba Lan phối hợp với hoàn cảnh địa phương, từng bước một
họ cho phép GHCG mở lại các chủng viện với điều kiện đòi bằng được quyền duyệt
xét danh sách ứng viên đi tu cùng với việc đưa môn học về lý thuyết Mác-xít vào
giáo trình đào tạo, mà giáo sư giảng dạy môn này không ai khác hơn là những linh
mục và tín hữu “cán bộ” trong Ủy Ban. Chưa hết, họ còn dành quyền chấp thuận hay
phủ quyết trong việc truyền chức linh mục và bổ nhiệm giám mục!
Cũng như việc lần hồi cho phép mở lại các chủng viện, người CS thừa hiểu sẽ có
ngày họ phải chấm dứt những trò can thiệp lộ liễu, thô bạo đối với GHCG, khi vì
xu thế chung đã phải chấp nhận trò chơi dân chủ: gia nhập WTO, ASEAN… mở rộng
bang giao với các quốc gia tự do. Chúng ta có thể quyết chắc mà không sợ sai
lầm: lúc này chính là thời điểm họ không cần tới những tổ chức trung gian
kiểu UBĐKCG cũng như tờ báo lá cải kia nữa. Hiểu như vậy chúng ta sẽ thấy
được những lời chỉ trích và đề nghị dẹp bỏ hai cơ cấu giáo gian này của giám mục
Sang và tờ báo điện tử VietCatholic gần đây chỉ là những tiếng nói xu phụ “ăn
theo” mà thôi.
Có
2 lý do cơ bản khiến đảng và nhà nước CS xoay lưng lại với những tổ chức tay
sai:
1/
Sau hơn nửa thế kỷ ở miến Bắc và 33 năm thống trị miền Nam, nhờ những tổ chức
tay sai này, bằng những thủ đoạn mua chuộc, hủ hóa, kiểm soát vấn đề đào tạo
nhân sự tại chủng viện và quyền có ý kiến tối hậu trong việc phong chức linh
mục, bổ nhiệm giám mục, họ đã cấy được người vào GHCG dưới nhiều dạng thái và
mức độ khác nhau. Trong trường hợp này, sự thất bại trong mưu toan thành lập
GHCG tự trị ngoài vòng ảnh hưởng Vatican kiểu Trung Cộng lúc ban đầu đã được
hoán chuyển vị thế: bề mặt, GHCGVN vẫn thuộc Giáo Hội hoàn vũ nhưng nội dung đã
biến chất, tránh được cảnh bên cạnh một Giáo Hội tự trị có một Giáo Hội hầm trú
(GH “chui”) duy nhất, thánh thiện, tông truyền, trung thành với Vatican như ở
lục địa TH lâu nay. Như vậy là đối với đảng và nhà nước, từ thất bại đã biến ra
thành công.
2/
Đáp ứng được nhu cầu cần có một bộ mặt bề ngoài coi được trước công luận quốc
tế: tôn trọng tự do tôn giáo, dành được cảm tình của Vatican khi trên bề mặt
Giáo hội được hưởng đầy đủ mọi quyền tự do (dĩ nhiên không nói tới những thay
đổi gốc rễ từ bên trong khi thực chất chỉ còn là sự lộn sòng, đánh tráo thê thảm
giữa cái “chính thống” và “phi chính thống” trong nội bộ GHCGVN!)
V.- Đối tượng lên
án, chỉ trích của VietCatholic có chọn lựa:
Xuyên qua nội dung những bài viết lên án và chỉ trích cái gọi là UBĐKCGVN và tờ
CG&DT gần đây của giám mục Sang cũng như VietCatholic, người ta thấy có sự chọn
lựa với ẩn ý rõ rệt. Chọn lựa thứ nhất để lên án và đề nghị loại bỏ, nhắm vào cả
hai cơ cấu và vài khuôn mặt lmqd khi mà chính Hànội đã xoay lưng lại. Đó là
UBĐKCG và tờ báo lá cải CG&DT, cùng với các “ông lm” Trương Bá Cần, Phan Khắc
Từ, Nguyễn Thiện Toàn[12].
Chọn lựa thứ hai là chạy tội cho một số vì cảm tình cá nhân hoặc vì đương sự còn
cần thiết cho đảng và nhà nước, ít nữa là lúc này, để tiếp tục khống chế những
cá nhân GM kể cả HĐGMVN. Đó là lm Thiện Cẩm (tức Trần Minh Cẩm) và đặc biệt là
lm Huỳnh Công Minh.
Luận điệu “bốc thơm” hai “ông lm” Cẩm và Minh trên VietCatholic gần đây không
ngoài sự chọn lựa này. Câu hỏi đặt ra: họ là ai?
1/
Lm Thiện Cẩm, tức Trần Minh Cẩm xuất thân tu sinh Dòng Đồng Công, Bùi Chu nhưng
sau chuyển qua Dòng Đa Minh chi Lyon. Sau những năm du học, trở về Sàigòn vào
thập niên 60, ông có tư tưởng tả khuynh. Trong một bài viết nhan đề “Sứ mệnh của
tuổi chúng ta” đăng trên đặc san Hương Xưa, từ trang 30, nhân Đại Hội thành lập
Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Hồ Ngọc Cẩn Trung Linh ở Sàigòn năm 1968, ông đã công
khai bày tỏ thái độ đề cao và tán dương cuộc Cách mạng Văn Hóa của Mao Trạch
Đông, một cuộc cách mạng đã tắm máu hàng chục triệu lương dân tại Hoa Lục. Sau
tháng tư năm 75, cùng với những “lm Đỏ” Minh-Cần-Từ-Bích, ông giữ nhiều vai trò
trong UBĐKCGVN và thường xuyên viết bài cho tờ CG&DT, nhất là trước tháng
8-1988, thời gian Giáo hội chuẩn bị tuyên phong 117 Chân Phước Tử Đạo lên hàng
Hiển Thánh, cạnh bài viết của giám mục Bùi Tuần và những lý thuyết gia hàng đầu
của chế độ và từng được “bằng khen thưởng của Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc năm
2006”[13].
Kể từ Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới ở Denver năm 1993, ông có dịp lui tới Hoa Kỳ
nhiều lần và thường tá túc tại trú sở của lm Trần Công Nghị khiến dư luận người
CG Việt tị nạn nghĩ rằng chủ nhân VietCatholic có ý đồ mượn cây cầu mọt ruỗng
của UBĐK để về nước “làm ăn”. Về cuộc sống riêng tư, cả hai có nhiều điểm tương
đồng. Hiện chúng tôi có những bằng chứng cụ thể trong tay.
Trong cuộc bầu cử quốc hội của chế độ độc tài CSVN năm 2007, ông nộp đơn ứng cử
ở Sàigòn nhưng bị rớt đài. Từ đấy ông có những bài viết tỏ ra có những tư tưởng
không hài lòng với chế độ. Đặc biệt trong bài viết công bố trên VietCatholic mới
đây, ông lên tiếng công kích lm họ Trương và đã trở thành chứng cứ để lm Nghị
biện hộ cho ông.
2/
Sau khi về nước và trước khi trở thành “Đệ Nhất Tứ Nhân Bang”, lm Huỳnh Công
Minh làm phó xứ cho đức cha Huỳnh Văn Nghi, thời gian ngài còn làm Cha Sở Tân
Định. Khi chiến cuộc bước vào giai đoạn khốc liệt, nhất là thời gian có hòa đàm
Paris, người ta đồn đại khá nhiều về những cuộc họp kín giữa lm Minh và các cán
bộ cộng sản ngay trong khuôn viên xứ Tân Định.
Như diều gặp gió, sau tháng tư 75, trên cả hai mặt đời và đạo, ông liên tiếp giữ
những chức vụ quan trọng: Đại biểu quốc hội, thành viên cao cấp trong UBĐKCGVN,
trong ban chủ trương CG&DT, cùng lúc là Phó Giám Đốc Đại Chủng Viện Thánh Giuse,
Cha Sở Vương Cung Thánh Đường Sàigòn, Tổng Đại Diện tại TGP Sàigòn từ đời đức
cha Nguyễn Văn Bình qua đời hồng y Phạm Minh Mẫn hiện nay –một thứ TĐD suốt
đờI!-. Lúc nào ông cũng kè kè bên cạnh hồng y Mẫn như hình với bóng, nhất là
trong những chuyến du hành quan trọng như cuộc viếng thăm Giáo hội Công giáo nhà
nước Trung Cộng cuối năm rồi. Mặc đầu đã hơn ba thập niên, người tín hữu CGVN ở
trong cũng như ngoài nước chưa bao giờ quên được lởi tuyên tín để đời với đảng
cộng sản của ông với tư cách Đại biểu Quốc hội CS tháng 7-76 nguyên văn như sau:
“Tôi xin phép
nói lên tâm tình của một linh mục Công Giáo đối với báo cáo chính trị lịch sử
‘Toàn Dân Đoàn Kết Xây Dựng Tổ Quốc Việt Nam Thống Nhất Xã Hội Chủ Nghĩa’. Báo
cáo chính trị làm cho tôi thêm xác tín rằng: mẫu con người mới, mẫu xã hội
mới mà Quốc hội sẽ đề ra để toàn dân ra sức thực hiện trong giai đoạn lịch sử
này chẳng những không có gì mâu thuẫn với tôn giáo, với tín ngưỡng chân chính,
trái lại còn rất phù hợp với Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô.
Báo
cáo chính trị còn làm cho tôi càng xác tín thêm hơn nữa rằng con người
mới, xã hội mới mà mọi người đều mơ ước, con người mới đó, xã hội mới đó,
không thể có được, nếu không có Đảng Lao Động Việt Nam, đội Tiền Phong của
giai cấp công nhân lãnh đạo và tổ chức. Phần tôi, tôi nguyện suốt đời phục vụ…”
(Thông Tấn Xã Việt Nam của Nhà nước CHXHCNVN ngày 07-7-1976)
“Phần tôi, tôi nguyện suốt đời phục vụ…” Đây không phải là câu nói đầu môi chót lưỡi. Nó mang giá trị như một Lời Nguyền, một Lời Thề tự nguyện trung thành phục vụ đảng Lao Động Việt Nam (tức Đảng Cộng Sản) cho đến cuối cuộc đời, cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, không phải ở chốn riêng tư, cũng không phải trong một cuộc họp mặt thông thường mà trước diễn đàn Quốc hội CS sau đó được đăng vào công báo nhà nước. (Giản dị là vì, theo ông, đảng ấy đã tác tạo nên “mẫu con người mới, mẫu xã hội mới”… “rất phù hợp với Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô”(!!!)… mà nếu thiếu sự “lãnh đạo và tổ chức” của Đảng thì… “không thể có được”(!!!)
Với tâm tình bao dung của người CG có lý luận cho rằng: mọi sai lầm, tội lỗi dù to lớn đến đâu nhưng khi đã bước vào tòa cáo giải xưng thú với lòng ăn năn xám hối thì đều được Chúa nhân từ tha thứ. Điều này quá đúng. Nhưng với trường hợp lm Huỳnh Công Minh, chuyện không đơn giản như vậy. Khi lời tuyên tín với đảng cộng sản của ông được nói công khai với tư cách mục tử và được đảng và nhà nước sử dụng như một cách để bôi bác, hạ thấp giá trị tín lý cơ bản của Giáo Hội, thì ngày nào ông chưa công khai tuyên bố rút lại và phủ nhận nó thì ngày ấy người ta vẫn không bỏ được ý nghĩ ông đã tự bôi xóa tư cách tín hữu của ông rồi, nói chi đến chuyện vẫn còn tiếp tục múa may trong Giáo Hội! Nếu quả ông thật sự ăn năn thống hối những lầm lỗi đã qua thì việc làm đầu tiên của ông là từ bỏ vai trò Tổng Đại Diện, thứ đến là rút vào bóng tối, sống đời một mục tử chiêm niệm.
Thực tế đã không như người ta chờ đợi. Sự kiện ông liên tiếp nắm giữ chức vụ Tổng Đại Diện tại một tổng giáo phận lớn và quan trọng nhất Việt Nam từ thời đức cha Bình qua thời hồng y Mẫn đã tạo nên một câu hỏi lớn và một nỗi đau khó nguôi trong tâm tình người tín hữu Công Giáo[14]. Một câu hỏi nhức nhối nảy sinh: vì sao và do căn nguyên sâu xa nào, từ hồng y Mẫn, giám mục Sang tới chủ nhân VietCatholic đều một lòng bao che cho ông?
Tiềm ẩn trong câu hỏi đã có sẵn câu trả lời.
Đã đến lúc
cần phải nói thật, nói thẳng với nhau về một điều được coi là úy kị, là khó nói.
Và vì úy kị, khó nói nên người ta thường né tránh không dám nói, hoặc nói mà
không nói hết lời, hết ý. Đó là chuyện công khai “nhận định, phê bình” những
hành vi, ngôn ngữ được coi là bất xứng –tệ hơn nữa là gây tổn thương cho mối đạo
Chúa Giêsu-, của các Đấng Bậc trong Giáo Hội, chính danh là các Giáo sĩ, Giáo
phẩm trong Hội Thánh.
Câu hỏi thứ
nhất được đặt ra: người tín hữu có quyền lên tiếng nhận định, phê bình những lời
nói, những việc làm của hàng Giáo sĩ, Giáo phẩm, khi với lương tâm con cái Chúa,
họ nhận ra nó tiềm ẩn những sai trái, tạo gương mù, phản lại Tin Mừng của Đấng
Cứu Thế?
Dựa vào lương tâm và
trách nhiệm của người tín hữu, căn cứ vào quan điểm và lập trường không dời đổi
của những người coi việc làm truyền thông Công Giáo như một Sứ Vụ, một Ơn Gọi[15],
câu trả lời dứt khoát và quyết liệt của chúng tôi là: không những họ có
quyền mà còn có bổn phận phải lên tiếng.
Từ quan điểm bất di
dịch ấy, trong quá khứ cũng như hiện tại, anh chị em chúng tôi đã nhiều lần công
khai trực diện với vấn đề gai góc này, cho dù có bị lên án là “chống” Giáo hội,
là “tiên tri giả” như VietCatholic đã gián tiếp quy kết gần đây (xin coi lại
footnote 2). Như những lần lên tiếng về những hiện tượng tiêu cực trong Giáo Hội
xuyên qua hành vi, ngôn ngữ bất xứng của linh mục này, giám mục nọ (chuyện dài
“Tứ Nhân Bang: Minh-Cần-Từ-Bích”, những việc làm sai trái của những giáo sĩ,
giáo dân núp bóng UBĐKCGVN và tờ báo lá cải CG&DT, kể cả trang lưới VietCatholic
ngụy danh Thông Tấn Xã CGVN ở hải ngoại; phê phán trường hợp giám mục Bùi Tuần
tiếp tay những lý thuyết gia của đảng và nhà nước CS viết bài, vận động, hô hào
chống lại quyết định của Giáo Hội trong việc Tuyên thánh 117 Chân Phước TĐVN
trong những năm 1987-1988; lời tuyên bố gây nhiều sóng gió và ngộ nhận của cố
giám mục Nguyễn Sơn Lâm với tư cách TTK/HĐGMVN; nhận định về nội dung thiếu ngay
thẳng, chứa nhiều ẩn ý trong bài viết “Đi Tìm Ánh Sáng Soi Đường” của TGM Phạm
Minh Mẫn phổ biến trên VietCatholic trước khi lên máy bay qua HK đầu năm 2001;
Chứng từ phản đạo, bôi xoá tư cách người lãnh đạo Kitô của giám mục Nguyễn Văn
Sang trong bộ sách “Hành Hương &
Thăm Viếng” ấn hành lần đầu năm 1883, tái bản có sửa chữa năm 2003; Thư Ngỏ gửi
các TGM Sàigòn, Huế, Hànội để nêu một số thắc mắc liên quan tới việc các lm Trần
Minh Cẩm (Thiện Cẩm), Sàigòn, Trần Mạnh Cường, Đắc Lắc, Lê Ngọc Hoàn, Nam Định
minh danh với tư cách linh mục CG ứng cử vào Quốc hội khóa 12 của chế độ CS năm
2007 v…v…)
Những tiếng nói,
những nhận định, phê bình thẳng thắn ấy đã công khai cất lên và được lưu giữ
bằng giấy trắng mực đen trong hơn 100 số báo Đường Sống (từ 1980 đến 1992) và
ngót 80 số báo Diễn Đàn Giáo Dân (từ 2001 đến nay) và nó sẽ còn tiếp tục trong
những tháng năm sắp tới. Chúng tôi quan niệm: dù được Chúa Giêsu lập ra, nhưng
vì là Giáo Hội Lữ Hành được ủy thác cho con người léo lái với tất cả những yếu
đuối, những khiếm khuyết của mình. Vì thế sẽ không tránh khỏi những sai lầm. Đọc
lại lịch sử dựng lập của 2000 năm Giáo Hội, chúng tôi đã thấy rõ điều ấy. 93 lần
cố Giáo Chủ Gioan Phaolô II công khai nhân danh người cầm đầu Thế Giới Công Giáo
lên tiếng xám hối, xin Thiên Chúa –kể cả nhân loại- thứ tha, cũng soi sáng cho
chúng tôi thấy như vậy. Chúng tôi xác tín vào sức mạnh của những tiếng nói kiên
cường đầy thần lực trong suốt giòng lịch sử Giáo Hội –quá khứ cũng như hiện
nay-, tương tự như tiếng nói của linh mục dòng Đa Minh Hieronymus Savonarola
(1452-1498). Trước những hiện tượng suy đồi trong Giáo Hội thời ấy, cha đã thống
thiết kêu gọi Giáo chủ Alexander VI trở về con đường ngay chính và đề nghị triệu
tập Công đồng để xét xử tính hợp pháp của Giáo chủ. Hậu quả của hành vi can đảm,
nhiệt thành yêu mến Giáo Hội ấy là cha Savonarola đã bị vạ tuyệt thông, tra tấn
rồi treo cổ. Ngài chết với hai bạn tù ngày 23-5-1498, thân xác bị hỏa thiêu,
nhưng đến năm 1955 dòng Đa Minh đã làm án Tuyên Thánh cho ngài.
Những gì đã xảy ra
cho Giáo Hội hôm qua vẫn còn đang tiếp tục xảy ra cho Giáo Hội hôm nay. Cái chết
đầy mờ ám của đức cố TGM Nguyễn Kim Điền, cảnh ngộ ra tù vào khám của linh mục
Nguyễn Văn Lý, kiếp sống cá chậu chim lồng của các linh mục Chân Tín, Nguyễn Hữu
Giải, Phan Văn Lợi bên cạnh những trò múa rối của những Giáo sĩ, Giáo phẩm đang
trực tiếp hoặc gián tiếp nối giáo cho giặc để tàn hại quê hương và Giáo Hội mãi
mãi sẽ là những trăn trở thao thức của người tín hữu Chúa Kitô. Hôm qua. Hôm
nay. Ngày mai.
VII.- Muộn màng nhưng không quá trễ
Trước lúc kết thúc
bài viết này, chúng tôi đọc được trên VietCatholic vài tiếng nói lạ tai khác
nhưng âm hưởng của nó hứa hẹn nhiều niềm vui và hy vọng: niềm vui và hy vọng của
những bước chân hoang đã tìm lại được lối về. Trong bài viết nhan đề “Từ Ủy Ban
‘lung lạc’ đến “đàn két Công Giáo’ – Vài Suy Tư” của tác giả Nguyễn Hữu Vinh[16]
xuất hiện trên trang báo điện tử này (11-3-08 – 16:50) với một chi tiết đáng chú
ý (dĩ nhiên không phải với tác giả, vì quan điểm, lập trường của ông đã quá minh
bạch).
Sau khi trưng dẫn
những lý chứng để nhìn nhận giá trị lời mỉa mai của giáo dân về những cụm từ “UB
lung lạc” và “đàn két CG”, Nguyễn Hữu Vinh đã gợi cho người đọc nhớ tới chuyến
viếng thăm những chức sắc trong “Giáo Hội Quốc Doanh” Trung Cộng của hồng y Phạm
Minh Mẫn với sự tháp tùng của “lm Đỏ” Huỳnh Công Minh năm ngoái, khi nhấn mạnh:
“Thậm chí, cũng không thiếu những vị mơ đến chức vụ như Lưu Bách Niên – “Giáo
Hoàng đen” của Trung Quốc cộng sản ngày nay”.
Tác giả JB Nguyễn
Hữu Vinh viết và suy tư, nhưng VietCatholic chấp nhận đăng nguyên văn. Đấy là
mấu chốt của vấn đề.
Bài báo trên của NHV
còn có câu: “Ngay
cả những người mang danh Công giáo tham gia trên các diễn đàn Quốc hội, từ
linh mục đến tu sĩ, giáo dân, đã có bao giờ trong lịch sử Quốc hội Việt Nam
họ có được một tiếng nói để bênh vực quyền lợi của hơn 8 triệu giáo dân Công
giáo?”
Và hai ngày sau
(13-3-08 – 12:51), VietCatholic lại cho đi bản tin có tiêu đề: “Sứ thần Tòa
Thánh tại Mễ Tây Cơ: Giáo Hội chẳng bao giờ muốn các giáo sĩ trở thành các Chính
trị gia”. Phải chăng khi chấp nhận quan điểm của tác giả NHV cũng như của Sứ
thần TT ở Mễ, VietCatholic muốn gián tiếp nhắc khéo những vị cầm đầu ba TGP
Hànội, Huế, Sàigòn là có hành vi phản lại đường hướng của Vatican vì đã dung
dưỡng cho đàn em các ngài minh danh linh mục, tu sĩ ứng cử vào Quốc hội và các
Hội đồng tỉnh thị trong hệ thống cầm quyến của đảng và nhà nước cộng sản Việt
Nam lâu nay, cụ thể là trường hợp các linh mục Lê Ngọc Hoàn (Nam Định), Trần
Mạnh Cường (Đắc Lắc) và Thiện Cẩm (Saigon) ứng cử vào QH khóa 12 năm ngoái?
Mong rằng trang báo
điện tử này tiếp tục đi theo bước chuyển hướng lạ nhưng đầy hứa hẹn trên đây để
xứng đáng với sứ mạng của một cơ quan truyền thông Công Giáo trong giai đoạn khó
khăn và tế nhị này.
Muộn thì có muộn,
nhưng không quá trễ.
[1]
Bài viết của LM Cần xuất hiện ngay sau lá thư của HT Thích Trung Hậu
thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GH do nhà nước cộng sản bảo trợ) gửi
Nguyễn Tấn Dũng, mà theo nhận định của TT Thích Không Tánh, là một hành
vi tiếp tay cho nhà nước CS,
[2]
Tìm đọc bài “Khởi đi từ Tuần Thánh: Ánh lửa Phục Sinh sẽ có thể bừng
sáng trở lại nơi Tòa Khâm Sứ Hànội” trên VietCatholic News – Thư Ba
26-02-2008 – 20:00 và bài “Con
đường mở trước mặt: Những giáo sĩ và tu sĩ đã cộng tác với Cộng Sản hãy
mau chọn đúng hướng đi cho mình!”
trên VietCatholic News - Thứ Năm 28-02-2008 - 18:34. Bài viết ngày
26-02, khi bóng gió chỉ trích những tín hữu có tiếng nói phê phán linh
mục, giám mục được ám chỉ là “Ngôn Sứ giả”, VietCatholic bao gồm luôn cả
thành phần có chức Thánh khi nhấn mạnh: “các người tự xưng là Ngôn Sứ
-dù họ là linh mục chăng nữa…”
[3]
Nếu cần nói thêm phải kể tới những Giáo phẩm, Giáo sĩ ở trong nước cũng
như hải ngoại từng có liên hệ mật thiết với nhóm chủ trương Đường Sống &
DĐGD, qua thư từ trao đổi cũng như qua những bài viết trên hai tạp chí
này.
[4]
Trong thư gửi BBT CG&DT ngày 08-5-1976, Nguyễn Văn Chín cho hay:
“Số tiền mà
chúng ta nhận được từ ngoại quốc (qua công lao của anh Thi, anh Tỉnh)
hôm Chín ở Pháp về trao cho anh Bích 100.000 NF. Hôm đi đổi tiền, quỹ
chúng ta còn khoảng trên 11.000.000 đồng (cũ) bạc mặt, trên 15.000
dollars và số NF thì không đáng kể, chưa kể tiền kẹt ở Ngân hàng và số
tiền anh Thi bằng cách này hay cách khác đã chuyển về VN trước ngày Cách
mạng”.
[5]
Nguyên văn bản tường trình đăng trên tờ Tin Nhà phát hành tại Pháp và
nhân bản tại VN số 43 tháng 5-2000. Gs Nguyễn Văn Trung, Lm Nguyễn Hồng
Giáo, ông Hồ Minh Điệp hiện vẫn còn là những nhân chứng sống.
[6]
Khi được mời tham dự, gs Trung đã chuẩn bị một bài tham luận dài 10
trang, nhưng vì mục tiêu buổi họp không thích hợp nên đã giữ lại không
trình bày.
[7]
Vẫn trong buổi họp của tuần báo CG&DT ngày 11-5-1976.
[8]
Vẫn trong buổi họp trên.
[9]
Nguyên văn lá thư đăng trên tờ Tin Nhà phát hành tại Pháp, nhân bản ở
VN, số 43 tháng 5-2000.
[10]
Trần Phong Vũ “Đọc lại Nhật Ký Nguyễn Ngọc Lan” đăng trên nguyệt
san Hiệp Nhất năm 1994 và sau đó được đưa vào Phần Phụ Lục tác phẩm biên
khảo “Một Thoáng Nhìn Về GHVN Qua Biểu Tương Đức Gioan Phaolô II”
do Tin Vui ấn hành năm 1997.
[11] Xin coi lại nhận định của linh mục Nguyễn Hồng Giáo trong đoạn trên về Thư Chung 1951.
[12]
Coi lại footnote 2
[13]
Được ghi trong bản danh sách những ứng cử viên QH khóa 12 của CSVN. Tìm
đọc Thư Ngỏ trên DĐGD số 67 phát hành tháng 6-2007. Về đặc san Hương
Xưa, một số cựu học sinh trung học Hồ Ngọc Cẩn Trung Linh vẫn còn lưu
giữ.
[14]
Trường hợp “linh mục cán bộ, Đại Biểu QH” Phan Khắc Từ công khai có vợ,
có con trong khi vẫn làm Cha Sở, vẫn thi hành chức Thánh cũng là một câu
hỏi, một mối đau khác đối với người tín hữu CGVN lâu nay.
[15]
* Tôn trọng Sự Thật như Chúa Giêsu đã dạy: “Sự Thật sẽ giải thoát anh
em”.
* Tuyệt đối
trung thành với giáo huấn của Hội Thánh
* Không chỉ
trích cá nhân khi những hành vi, ngôn ngữ của cá nhân không phương hại
tới quyền lợi chung của GH, XH và DT.
* Nói thay
cho những đồng bào, đồng đạo không có tiếng nói trên Quê hương, trong nỗ
lực đấu tranh cho tự do tôn giáo, nhân quyền và nhân phẩm Việt Nam.
* Góp phần
xây dựng một xã hội công bằng, nhân ái dưới ánh sáng soi dẫn của Tin
Mừng Chúa Kitô
[16]
Tác giả bài “Vài suy nghĩ về việc xây cất các công trình tôn giáo hiện
nay ở VN” từng được DĐGD đánh giá rất cao trong một bài nhận định đăng
trên nguyệt san số 68 phát hành tháng 7-2007.