THƯ TÒA SOẠN

 

Thời gian trôi qua thật mau. Thoắt chốc đã tới tháng 11-2007. Đây là  thời điểm người dân Hiệp Chủng Quốc có thói quen dành ngày Thứ Năm tuần lễ cuối tháng để mừng Lễ Tạ Ơn. Tạ ơn đời, tạ ơn người, tạ ơn Thượng Đế.

Riêng với người công dân Công Giáo Việt Nam, đây cũng là thời gian thuận tiện để chúng ta nhìn về Quê Hương, nhìn về Giáo Hội Mẹ để tự hỏi lòng là mình đã làm gì, đã đóng góp được gì trong những tháng ngày vừa qua? Với những thành phần đang gắn bó với tờ báo chung của chúng ta –từ quí độc giả, quí ân nhân, quí thân chủ quảng cáo, anh chị em cộng tác quanh Ban Biên Tập tới  nhóm chủ trương-, mọi người cùng cám ơn nhau, đồng thời cùng hiệp thông với nhau trong lời cầu nguyện cho ‘chân cứng đá mềm’, để nhất quyết một lòng dấn thân trên con đường phụng sự lẽ phải và sự thật qua tác vụ truyền thông đại chúng.

Trước hết, xin mời độc giả đọc và suy tư về nội dung Sứ Điệp của ĐTC Bênêđictô XVI  công bố Chúa Nhật 21-10-2007 nhân ngày Thế giới Truyền Giáo thứ 8 trên DĐGD số này. Ngài nhắc lại ý tưởng của Cố GH Gioan Phaolô II “Giáo Hội Tự Bản Chất Là Truyền Giáo” để nhắc nhở sự quan tâm của mọi thành phần tín hữu, đặc biệt là các giám mục. Theo ĐTC thì một phần quan trọng của nỗ lực truyền giáo chính là:“để trao ban ơn cứu chuộc của Chúa Kitô cho mọi người hôm nay đang bị lăng mạ và áp bức tại nhiều miền trên thế giới vì sự nghèo đói, bạo lực và việc phủ nhận nhân quyền một cách có hệ thống.”

Nhớ lại chương trình tiền Hội Nghị Thường Niên, trong đó công khai hứa hẹn các GM sẽ bàn về trường hợp linh mục Nguyễn Văn Lý và nhớ lại nội dung Thỉnh Nguyện Thư do 6 linh mục (3 ở quốc nội, ba ở hả ngoại) và 120 giáo dân đại diện trong ngoài nước gửi HĐGMVN, rồi đem đối chiếu với Bản Đúc Kết và nội dung Thư Chung của các ngài sau khi kết thúc Hội Nghị, người tín hữu trong và ngoài nuớc không khỏi ngẩn ngơ.

Mời độc giả đọc Phúc Âm Nhật Ký của linh mục Đỗ Văn Lực cùng với bài đọc Thư Chung của Duyên Lãng Hà Tiến Nhất trên DĐGD số này.

Từ hình ảnh viên quan tòa bất lương trong Tin Mừng Luca 18: 1-8 Chúa Nhật 21-10, cha đã nêu lên những thách đố về truyền giáo trong GHVN hôm nay. Ứng dụng Tin Mừng với những vấn đề thời sự trước mắt, linh mục Đỗ Văn Lực chia sẻ những cảm nghiệm của cha như sau:

Trích: Những gì liên quan tới công lý là những vấn đề nóng bỏng trong xã hội Việt nam hôm nay. Thế nhưng những vấn đề sôi động đó đã không được đề cập đến trong Thư Chung của HÐGMVN năm 2007. Chủ đề là vấn đề giáo dục, chứ không phải công bằng xã hội. Nhưng làm sao giáo dục khi gia đình không đủ của ăn, áo mặc và xã hội đầy tham nhũng, hối lộ, cướp bóc, bất công? Thư chung xoay quanh đề tài “Xã hội và Giáo hội ngày mai,” chứ không phải ngày hôm nay! Tất cả nhằm chuẩn bị cho ngày mai! Còn ngày hôm nay không quan trọng ?!    Rõ ràng có một sự né tránh vì quá nhát sợ. Ngày xưa, trước tình trạng khiếp đảm của các môn đệ, Chúa đã trấn an: “Thầy nói cho anh em là bạn hữu của Thầy được biết: Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được nữa.” (Lc 12:4) Có lẽ quá sợ kẻ chỉ giết thân xác, các môn đệ hôm nay quên cả sứ mệnh Chúa ủy thác? Nhát sợ là dấu chứng tỏ đức tin chưa nhập cuộc hay chưa hiện hữu thực sự. Nhìn vào tình trạng đó, mới thấy Chúa có lý khi nói: “Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng? "(Lc 18:8)

“Ngay trong phần mở đầu lá thư chung, các GMVN chỉ “bày tỏ niềm cảm thông và phân ưu sâu sắc đối với các thân nhân và nạn nhân vụ sập cầu Cần Thơ ngày 26-09-2007 và cơn bão số 5 (Lekima) ngày 02-10-2007.” Thế còn những nạn nhân của cơ chế bất công và cũng là những người anh em của chúng ta như linh mục Nguyễn Văn Lý thì ở đâu? Sao không thấy các ngài bày tỏ niềm cảm thông?! Nếu không cảm thông với người anh em đang ngồi tù vì sứ mệnh cao cả, các ngài có công bình và theo tiếng nói lương tâm không? Tất cả cộng đoàn dân Chúa đều muốn biết lý do tại sao các ngài không lên tiếng cảm thông với những người đang tranh đấu cho công lý? Trong lịch trình phiên nhóm tiền hội nghị, người ta đọc được là các ngài hứa là sẽ lên tiếng về trường hợp cha Lý vào dịp họp thường niên tháng 10 năm 2007 (!?). Lời hứa đâu cả rồi? Bao nhiêu chờ đợi mỏi mòn trở thành công dã tràng. Dân Chúa hôm nay không có phước bằng bà góa năm xưa! Không ngờ các vị lãnh đạo GHVN cũng có giọng điệu giống các người lãnh đạo Nhà Nước đến thế! Càng ngày càng thấy niềm tin và thực tế không đi đôi với nhau.” Hết trích. (Thư Tòa soạn tô đậm một số câu trong trích đoạn).

 

Nhân chuyến viếng thăm Giáo Hội Công Giáo do nhà nước Trung Cộng bảo hộ của phái đoàn ĐHY Phạm Minh Mẫn với sự hiện diện của linh mục Huỳnh Công Minh, người thường được dư luận trong và ngoài nước gán cho nhãn hiệu “linh mục quốc doanh”, ngoài bài viết ngằn (Vài Vấn Nạn Cần Được Khai Thông) bày tỏ quan điểm của tờ báo, quí độc giả sẽ có dịp theo dõi bài viết của nhà báo Nguyễn-Hữu Tấn-Đức với tiêu đề “Linh Mục kiêm Chính Ủy”. Xuyên qua những chứng từ trưng dẫn trong bài, người đọc sẽ có dịp thấy rõ bộ mặt thật của một linh mục từng công khai lên tiếng ca tụng Đảng Lao Động Việt Nam (tức Đảng Cộng Sản) là “đội tiền phong của giới công nhân” và vì thế, ông từng công khai tuyên tín: “Phần tôi, tôi nguyện suốt đời phục vụ”. Đây chính là chìa khóa giúp cho công luận hiểu được lý do nào khiến cho ông LMQD cỡ bự từng một thời được đồng bào CG trong nước gán cho danh hiệu “Đệ Nhất Tứ Nhân Bang: Minh, Cần, Từ Bích” này trở thành Tổng Đại Diện TGP Sàigòn suốt từ thời cố TGM Nguyễn Văn Bình kéo dài cho tới nay. Nó cũng lý giải cho sự kiện lúc nào ông cũng kè kè bên cạnh HY/TGM Phạm Minh Mẫn như bóng với hình, đặc biệt trong những tác vụ được coi là quan trọng như chuyến viếng thăm Giáo Hội Công Giáo Nhà Nước Trung Cộng cuối tháng 9 vừa qua.

Mục Viết Từ Canada tháng này, tác giả Mặc Giao bàn sâu vào hai chủ đề lớn. Thứ nhất là vụ xuống đường chống lại chế độ độc tài quân phiệt của hàng trăm ngàn tăng sĩ Phật Giáo tại Miến Điện gần đây. Người viết đã trưng dẫn mọi lý chứng để dẫn tới kết luận là cho dù cuộc biểu tình bất bạo động của các nhà tu hành bị nhà cầm quyền quân phiệt Miến nặng tay đàn áp khiến nhiều người chết thảm, hàng ngàn người khác bị bắt bớ, giam cầm, tra tấn tàn nhẫn, nhưng cuộc chiến đấu giữa thiện và ác, giữa chính và tà vẫn chưa tới hồi kết cuộc, và chúng ta hãy kiên nhẫn chờ xem Chủ đề thứ hai được nhà báo Mặc Giao bàn đến là cuộc thanh tẩy trong nội bộ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất hiện nay. (Xin đọc bài viết của nhà báo Lý Đại Nguyên trên DĐGD số này.)

 

Một sự kiện được coi là mới: đó là một phần trong số các cơ chế trong LĐCGVN tại Hoa Kỳ vừa công bố một Văn Thư Ủng Hộ HĐGMVN nhập dịp Hội Nghị thường niên năm nay. Không thấy có tên các linh mục lãnh đạo các cơ chế này. Về phía giáo dân có bác sĩ chỉnh xương Nguyễn Đức Tuấn, với tư cách chủ tịch Cộng Đồng Giáo Dân LĐCGVN/HK. Bốn trong số 8 chủ tịch miền ký danh có luật sư Phạm Văn Phổ, chủ tịch Cộng Đồng Giáo Dân Miền tây Nam HK.

Sự kiện giáo dân bày tỏ lòng kính mến và ủng hộ HĐGM trong Giáo Hội quê nhà, nhất là vào dịp đặc biệt, trong điều kiện bình thường, vốn là một việc nên làm và cần làm. Nhưng khi thái độ ủng hộ và tung hô lại được đưa ra với mục tiêu tiếp tay cho những chủ trương sai trái đồng thời chống đối hoặc chỉ trích tiếng nói can đảm, chân thật của những người anh em mình chỉ vì lòng yêu mến Giáo Hội, muốn bảo vệ sự tinh ròng, trong sáng của Giáo Hội mà buộc lòng phải chỉ ra những hành vi phản Tin Mừng của một thiểu số các đấng bậc làm Thày trên Quê hương đau khổ -nói trắng ra là những “con sâu trong nồi canh GH” đang lần hồi đẩy Giáo Hội vào con đường thỏa hiệp với những thế lực tối tăm của ma quỉ -thì vấn đề không còn giản dị nữa.

Câu hỏi căn bản được đặt ra là: khi có những hiện tượng sai trái qua ngôn ngữ cũng như cách hành sử việc đạo, việc đời của các giám mục, kể cả khi quí vị ấy nhân danh tập thể là HĐGM, thì hàng ngũ giáo sĩ và giáo dân có quyền và có bổn phận phải lên tiếng trong tinh thần xây dựng, gạn đục khơi trong không? Và khi lên tiếng như thế có đáng bị qui kết là chống phá Giáo hội –hơn thế chống Chúa- không?

Trong trường hợp này chỉ có một phương thế duy nhất để khai thông những ngộ nhận, chấm dứt những lời qua tiếng lại hầu tạo niềm cảm thông giũa các thành phần Dân Chúa: đó là chấp nhận ĐỐI THOẠI một cách chân thành, thẳng thắn và công khai. Đấy là lý do thúc đẩy nhóm chủ trương nguyệt san DĐGD mạnh dạn đưa ra Bản Công Bố trên số 71 phát hành tháng 10 vừa qua. Trong khi chờ đợi sự đáp ứng của những đại diện GHCG trong nước, chúng tôi chân thành mời gọi những linh mục trong cơ cấu Liên Hiệp truyền Thông Công Giáo VN ở hải ngoại, cụ thể là linh mục Trần Công Nghị và các vị trong LĐCGVN tại HK.

DIỄN ĐÀN GIÁO DÂN