Sau cuộc Mỹ du của Chủ tịch nhà nước CSVN Nguyễn Minh Triết hạ tuần tháng 6-2007, đã nổ ra những vấn đề thời sự sôi động trong và ngoài Giáo Hội CGVN. Trực tiếp là đức cha Nguyễn Văn Hòa, giám mục Nha Trang nhân danh Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN), đã gửi một lá thư tới ông triết để phủ nhận một câu trả lời của ông, theo đó, sau khi bị phái viên CNN cật vấn về cách hành sử thô bạo của Hànội trong vụ xử án cha Lý, ông đã trắng trợn tuyên bố là HĐGMVN và cả Tòa Thánh cũng đồng tình với chế độ về chuyện này.
Tạm gác ra một bên
những thắc mắc chính đáng của công luận về hình thức trình bày lá thư và phương
cách phổ biến[1],
lá thư, đa số đều đánh giá rất cao phản ứng nhanh nhạy và không thể thiếu được
này của HĐGMVN.
Thật vậy, trong suốt
những năm tháng linh mục Nguyễn Văn Lý bị nhà nước CSVN đàn áp, khủng bố vì
những nỗ lực đấu tranh cho tự do tôn giáo, cho nhân quyền, nhân phẩm dẫn tới
phiên tòa man rợ ngày 30-3 vừa qua, dư luận khắp nơi đều tỏ dấu ngạc nhiên vì
không thấy sự lên tiếng chính thức nào của hàng Giáo phẩm CG trong nước. Đã có
nhiều suy diễn thuận nghịch khác nhau về sự im lặng này. Phía bênh vực thì nêu
ra những khó khăn, cay nghiệt của một Giáo Hội phải đối diện từng phút từng giây
với chính sách và những thủ đoạn tàn độc của người cộng sản để biện hộ cho thái
độ của các giám mục. Cũng có những tiếng nói xa gần về những bí ẩn trong đời tư
cha Lý hoặc vì thái độ không vâng phúc, dấn thân “làm chính trị” của cha khiến
các giám mục xa lánh. Có người còn mạnh miệng cho rằng hàng Giáo Phẩm và nói
chung HĐGM tuy không công khai lên tiếng nhưng vẫn âm thầm hỗ trợ cha Lý dưới
hình thức này hay hình thức khác. Trong khi ấy cũng không thiếu những giáo sĩ và
giáo dân công khai bày tỏ quan điểm ngược lại. Theo dõi những phát biểu đây đó
qua báo chí, truyền thanh, truyền hình, nhất là qua phương tiện internet nhiều
năm qua, người ta nghe, đọc và thấy được những bài viết, những lời phát biểu gay
gắt về sự kiện cha Lý bị chính những bề trên của ngài bỏ rơi, giống như dụ ngôn
của Chúa Giêsu về thái độ thờ ơ, dửng dưng của hai thày Lê Vi và Tư Tế trong
Giáo Hội xưa, đã tìm cách lánh qua ngả khác khi phát hiện một nạn nhân vừa bị kẻ
cướp đánh trọng thương bên lề đường. Có dư luận đã không loại bỏ ý nghĩ tiêu cực
là một số giám mục vốn thân với chế độ đã toa rập với giới cầm quyền khống chế
HĐGM, không cho cơ chế này nói lên tiếng nói Ngôn Sứ, vạch trần những tệ đoan
tham những, thối nát trong một chế độ đã và đang vi phạm trầm trọng tới quyền tự
do tôn giáo, quyền sống và quyền làm người của đồng bào, và do đó đã làm ngơ
không can thiệp khi cha Lý bị công an và pháp luật rừng rú của nhà nước bạo
hành!
Trong không khí ngột
ngạt như thế, câu trả lời của Nguyễn Minh Triết với thông tấn xã CNN, cho rằng
“HĐGMVN và Vatican cũng đồng tình với chế độ” trong cách đối xử với cha
Lý giống như một quả bom nổ tung,
phá vỡ tảng băng im lặng lâu nay. Chỉ hai ngày sau khi câu trả lời trút bỏ trách
nhiệm kể trên của chủ tịch nhà nước CSVN được lần lượt đăng tải trên hai tờ Nhân
dân và Tuổi Trẻ, lời phủ nhận là “không đúng sự thậT” đã được gửi tới Bắc
Bộ Phủ.
Một phản ứng được coi là nhanh,nhạy và đúng lúc của HĐGMVN.
Tuy nhiên, cốt lõi
của vấn đề vẫn chưa chấm dứt. Ở điểm 3, mục (4) trong lá thư gửi tuần báo Công
Giáo & Dân Tộc và các cớ quan Truyền Thông Công Giáo, đức hồng y Phạm Minh Mẫn
TGM Giáo phận Sàigòn viết:
“(4)
Tháng 7.2007 này, báo ở đây có đăng tải câu chuyện CNN phỏng vấn Chủ Tịch
Nước VN, với những thêm thắt, không đúng với sự thật, liên hệ đến HĐGM.VN,
làm cho Đức Cha Chủ Tịch phải băn khoăn và bận tâm đính chánh chuyện mà người
thì cho là nghiêm trọng, kẻ khác cho là chuyện cơm bữa hằng ngày.”
Theo văn mạch, rõ
ràng đức HY/TGM giáo phận Sàigòn quyết đoán là báo chí cộng sản trong nước đã
“thêm thắt” bịa chuyện “không đúng sự thật” để xuyên tạc câu trả lời của Chủ
tịch nước Nguyễn Minh Triết với CNN. Sự quyết đoán này có giá trị đến đâu, mời
quí độc giả theo dõi những bài viết liên hệ trên DĐGD số này.
Và như thế, vấn đề
chỉ trở nên thông thoáng và sáng tỏ khi người lãnh đạo cao cấp nhất của chế độ
Hànội chính thức hồi âm lá thư của HĐGMVN. (Cho đến chiều Thứ Hai 23-7, tức là
khởi đầu tuần lễ thứ ba sau khi thư của đức cha Hòa gửi đi, vẫn chưa có tin gì
về hồi âm của ông Triết). Dĩ nhiên, nếu trường hợp hi hữu xảy ra là Chủ tịch
nước Nguyễn Minh Triết cho “chìm xuồng” không trả lời thì cũng là một dấu chỉ
cho công luận thấy thêm được những khía cạnh khúc mắc khác của vấn đề.
Trường hợp cả ngàn
Dân Oan từ nhiều tỉnh thị trên khắp miền nam đổ về Sàigòn, cắm lều nằm vạ trước
Văn Phòng Quốc Hội 2 của chế độ để đòi trả lại gia cơ, điền sản bị cướp trong
suốt 26 ngày, cho tới khi bị lực lượng vũ trang công an, cảnh sát của nhà nước
đàn áp và cưỡng bách giải tán đêm 18-7, cùng với những cuộc xuống đường chống
cộng, yểm trợ quốc nội và cao trào chống Nghị Quyết 36 của đồng hương tại nam
California, HK mà trước mắt là chống lập trường theo cộng của tuần báo
VietWeekly, cũng là những vấn đề thời sự quan trọng trong những ngày qua.
Sau hết, trên DĐGD
số này, chúng tôi cũng gửi tới quí độc giả ý kiến của những cây bút cốt cán của
nguyệt san (Phạm Hồng Lam, Mặc Giao, Trần Phong Vũ) trả lới hai câu hỏi của ông
Nguyễn Ngọc Bích, một trí thức Công giáo trong nước gửi ra, kể cả lá thư của đức
HY Phạm Minh Mẫn gửi linh mục Nguyễn Thái Hợp và Câu Lạc Bộ NVB với nội dung ít
nhiều cũng góp phần làm sáng tỏ thêm vấn đề này.
[1] Một lá thư quan trọng mà không được thực hiện trên giấy có in hiệu tòa Giám mục, cũng không có chữ ký của đức cha Chủ tịch. Cho đến nhiều ngày sau, thư vẫn không được đăng trên trang Web của HĐGM.