THƯ TÒA SOẠN DIỄN ĐÀN GIÁO DÂN SỐ 64 - THÁNG 03-2007
Quí độc giả đang có trên tay nguyệt san Diễn
Đàn Giáo Dân số tân xuân Đinh Hợi (2007). Đây là thời điểm ghi dấu nhiều biến cố
quan trọng bên trong Giáo Hội cũng như bên ngoài xã hội Việt Nam và thế giới.
Trước hết là quyết định của Giáo Hội Công Giáo Ba Lan nhằm thanh lọc hàng giáo
phẩm tiếp theo sự kiện TGM Stanislaw Wielgul từ chức vì tội làm gián điệp cho
mật vụ Ba Lan trong thời cộng sản Thứ đến là sự kiện đảng và nhà nước CSVN cử
thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng qua Vatican triều yết đức Giáo Hoàng Biển Đức trong
tháng giêng dương lịch vừa qua. Tiếp theo là câu chuyện thiền sư Nhất Hạnh và
tăng đoàn Làng Mai được chế độ Hànội bật đèn xanh cho hồi hương tổ chức cái gọi
là Trai Đàn Chẩn Tế Giải Oan tại ba miền đất nước trong những ngày cuối và đầu
năm Đinh Hợi, cùng với sự kiện chế độ Hànội tuyên dương bốn giám mục và 4 linh
mục thuộc Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, đã được công luận trong và ngoài nước coi
là những biến cố hàng đầu.
Nhiều câu hỏi lớn đang được đặt ra.
Liệu bài học của Giáo Hội Ba Lan sẽ ảnh hưởng
và tác động như thế nào đối với đám linh mục quốc doanh, bao gồm vài giám mục
từng bị quần chúng trong và ngoài nước coi như đã có những hành vi bợ đỡ chế độ
hiện nay cũng như từ mấy thập niên qua? Cuộc gặp gỡ giữa thủ tướng CSVN Nguyễn
Tấn Dũng và ĐTC cùng những viên chức ngoại giao cao cấp Tòa Thánh hôm 25-01 mang
ý nghĩa gì? Người ta bàn tán nhiều về khả năng tái lập bang giao giữa chế độ
Hànội và Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ, nhưng lợi hại của sự việc này sẽ ra sao?
Đâu là ý nghĩa thật sự trong việc tổ chức Trai Đàn Chẩn Tế Giải Oan của Thiền Sư
Nhất Hạnh và Tăng Đoàn Làng Mai? Đã đành đây là việc làm mang tính tôn giáo nhắm
vào những ngưởi đã chết một cách oan khuất. Nhưng, đối với cả triệu người còn
sống nhưng đã từng trải qua cơn ác mộng của cuộc cải cách ruộng đất, của vụ án
Nhân Văn Giai Phẩm, của vụ đánh tư sản mại bản, cũng như nhiều trăm ngàn người
bị lao đao, bầm giập cả chục năm trường trong các nhà tù cộng sản trong suốt mấy
thập niên qua thì sao? Và khi nói tới những nạn nhân bị chết oan, những con
người bị ra thân tàn ma dại, bị cướp đoạt tài sản, bị xúc phạm danh dự thế tất
không thể không nói tới những bàn tay nhuốm máu, những tác nhân đã gây ra những
tội ác triền miên trên đất nước hiện nay cũng như từ mấy thập niên qua.
Ngoài bài phân tích của giáo sư Đỗ Mạnh Tri về
sự kiện đảng và nhà nước CSVN cử Nguyễn Tấn Dũng qua Vatican triều yết Đức Thánh
Cha, trên DĐGD số tân xuân này, quí độc giả sẽ có dịp theo dõi hai bài viết đặc
biệt. Một của linh mục Cao Phương Kỷ, Cố vấn và là Linh hướng tờ báo. Một của
linh mục Đỗ Văn Lưc, người mục tử đã có những suy tư và cái nhìn sâu sát về nội
dung Tin Mừng của Chúa Giêsu gắn bó với những gì đang xảy ra trên Quê Hương và
Giáo Hội Công Giáo Việt Nam hôm nay.
Dưới tiêu đề “Những Bài Học Ba Lan”, cha giáo
Cao Phương Kỷ đã lột trần tất cả những manh tâm, gian ý của chủ nghĩa cộng sản
qua những chiêu bài “Liên Minh”, “Liên Hiệp”, “Hòa Hợp”, “Hòa Giải” để từ đấy
đưa ra quan điểm là muốn bảo vệ sự tinh tuyền trong Giáo Hội và xã hội, mọi công
dân Việt Nam, trong đó có người Công giáo cần phải tích cực đề cao cảnh giác.
Ngài nhấn mạnh:
“…trong giới giáo sĩ Việt Nam, cũng có một số
hợp tác chặt chẽ, “tay sai”, gián điệp (hay làm “ăng-ten) cho CS, (mà giáo dân
gọi tên mỉa mai là “Linh mục quốc doanh”) để tố cáo hay canh chừng các giáo sĩ
khác, hoặc để buôn bán, xuất ngoại kiếm tiền…Thiết tưởng sớm muộn gì, những
người này cũng sẽ bị đem ra ánh sáng, như “Bài học Ba Lan”, mà thế giới đang
theo dõi. Do đó, Hội Thánh Công Giáo Việt nam cần phải điều tra cẩn thận các
hồ sơ khi giới thiệu các ứng viên làm Giám mục, Linh Mục. Vấn đề này khá
phức tạp, và khó khăn, vì hiện nay chính quyền CSVN, vẫn nhất định giữ quyền
chấp nhận hay phủ quyết đối với các ứng viên được trao chức thánh. Đây là hành
độnbg vi phạm trầm trọng vào quyền Tự Do tuyển chọn và huấn luyện các giáo sĩ
của Hội Thánh Công Giáo, và trắng trợn can thiệp vào nội bộ các Tôn Giáo”.
Tác giả cũng thẳng thắn giãi bày quan điểm
hoài nghi của mình về sự ra đời gần đây của hai cơ cấu:. Một ở hải ngoại là
“Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo” và một ở trong nước là “Câu Lạc Bộ TGM Phaolô
Nguyễn Văn Bình”.
Đề cập vai trò quan trọng của truyền thông,
linh mục Cao Phương Kỷ viết:
“…trong tình trạng khốn khổ của Quê Hương hiện
nay, nếu muốn được gọi là cơ quan “Truyền Thông Công Giáo Việt Nam”, (hay
Thông Tấn Xã Công Giáo Việt Nam), tức đại diện cho Lập trường của Tập Thể
người Công Giáo về những vấn đế Đất Nước, để hướng dẫn dư luận, thì không thể
chỉ giới hạn vào việc thông tin các cuộc rước kiệu, cáo phó, xây cất, phong
chức, ăn mừng, hay đăng tin tức “nội bộ” của Giáo hội hoàn cầu, hay các Giáo
Phận, các Xứ đạo Việt nam.., mà im hơi lặng tiếng không “Đối Thoại”,
“Truyền Thông”, đăng các tin tức
Sinh Hoạt Cộng Đồng của Ngưới Việt, tại Hải Ngoại và tại Việt Nam, nghĩa
là không thông cảm, chia sẻ những nỗi buồn khổ của Dân Tộc mất Quyền Tự Do Ngôn
Luận, mất Nhân phẩm, xã hội trụy lạc, tham nhũng, …Vì như thế thì làm sao có thể
chu toàn Sứ Mệnh, và có thể gọi là:“Truyền Thông Công Giáo Việt Nam”
hay “Thông Tấn Xã Công Giáo VN” được?”
Với những thao thức tương tự về Quê Hương và
Giáo Hội, trong bài “Trái Tim Không Ngủ Yên”, linh mục Đỗ Văn Lưc đã nhân những
lời tuyên bô của ông Lý Quang Diệu trong cuộc viếng thăm Việt Nam mới đây để suy
tư về sứ mạng đích thực của Giáo Hội Việt Nam trước cảnh ngộ con người bị tước
đoạt tự do và nhân phẩm trên đất nước chúng ta hôm nay. Ngài viết:
“Thế mới hay GHVN thiếu những thợ gặt lành
nghề. Vẫn không đủ những người có khả năng rao giảng Tin Mừng cho người nghèo
hèn và bị áp bức. Thời nào cũng thế, GHVN đầy dẫy những con người đồng lõa
với bọn giàu sang và thế lực trong các cơ chế đàn áp. Những người bị áp bức
hầu như nằm ngoài sự quan tâm của Giáo hội!”
Cha nêu câu hỏi: Phải chăng “Chỉ có những
người nghèo mới là đối tượng của Tin Mừng hay sao?” Rồi tự trả lời: “ Người
nghèo chỉ là một trong những thành phần bị cơ chế bất công đàn áp. Những hoạt
động bác ái và y tế xã hội chỉ xoa dịu phần nào nỗi đau khổ của những người
nghèo hèn. Còn những người bị giam cầm trong các trại tù cải tạo, những người bị
áp bức đến mất tự do ngoài xã hội và những người dân đang bị hạn chế tự do liên
lạc, hội họp, di chuyển … đến nỗi trở thành mù điếc những thông tin cần thiết và
đói khát nhân quyền thì sao? Họ chiếm chỗ nào trong mối quan tâm của GHVN? Những
đối tượng Tin Mừng, như ngôn sứ Isaia loan báo, đều là những nạn nhân của đủ thứ
đàn áp bất công. Nếu không quan tâm và tranh
đấu cho quyền làm người, GHVN sẽ đem Tin Mừng qua nẻo đường nào cho dân tộc?
Dù có cả bề dầy lịch sử gần 500 năm, GHVN vẫn thiếu những ngôn sứ quả cảm biết
noi gương Chúa Giêsu. Có một lỗ trống khổng lồ trong đức tin của GHVN hôm nay.
Chưa ai có thể lấp nổi! Mặc dù có khối lượng nhân sự khổng lồ, GHVN có lẽ còn
thiếu xác tín vào sức mạnh Tin Mừng. Có lẽ đức tin chúng ta chưa bằng hạt cải,
nên chưa thể bứng cây đa cổ thụ hay trái núi bất công ra khỏi lòng dân tộc. Trái
núi càng cao càng cản bước tiến Tin Mừng”.
Quí độc giả cũng tìm thấy tư tưởng này trong
bài “Sứ Mệnh Của Chúa Ứng Nghiệm Nơi Sứ Mệnh Của Giáo Hội”của linh mục Ngô Tôn
Huấn trên DĐGD số này.
Đặc biệt trên DĐGD số tân niên này, quí độc
giả cũng có dịp cùng tác giả Đỗ Mạnh Tri tưởng nhớ tới đức cha Nguyễn Minh Nhật
nhất là thời gian 6 năm Ngài đảm nhiệm vai trò chủ tịch HĐGMVN để ngậm ngùi cho
hoàn cảnh đất nước và Giáo Hội hôm nay.
DIỄN ĐÀN GIÁO DÂN