Đôi điều suy nghĩ về
HIỆN TRẠNG VÀ TƯƠNG LAI VĂN HÓA CÔNG GIÁO
Trần Phong Vũ
It giòng ngắn ngủi này thay thế cho Thư Tòa Soạn nhân dịp nhóm chủ trương Diễn Đàn Giáo Dân chọn chủ đề Văn Hóa Công Giáo cho số 59 phát hành tháng 10-2006. Dù chỉ là những gợi ý sơ khởi dựa trên những sự kiện cụ thể nhìn thấy trước mắt, người viết mong mỏi sẽ gióng lên được một tiếng chuông cảnh báo cho tập thể tín hữu Công giáo chúng ta trước vấn đề bức thiết trên đây.
Mời độc giả theo dõi những thao thức về cùng một vấn nạn gói ghém trong những bài viết và phát biểu của quí linh mục Dũng Lạc Trần Cao Tường và Trăng Thập tự trên Diễn Đàn Giáo Dân số này. Ngoài ra, những nỗ lực của tiến sĩ Trần Công Tiến qua những tác phẩm viết về Chúa Giêsu, về Kinh Thánh, về Giáo hội Công giáo dưới khía cạnh triết học và nhất là buổi giới thiệu tác phẩm “Advancing the Culture of Death: Euthanasia and Physician-Assisted Suicide” của linh mục Trần Mạnh Hùng tại Úc châu mới đây hy vọng sẽ là những chuyển động, những dấu chỉ mới cho tương lai văn hóa Công giáo Việt nam. Riêng tác phẩm của cha Hùng còn là một đóng góp quan trọng cho văn hóa Công giáo hoàn vũ, nói chung. Mời độc giả đọc bài tường thuật sơ lược buổi giới thiệu tác phẩm của cha Hùng.
Một cái nhìn thoáng qua về hiện trạng sách báo CG
Linh mục Trăng Thập Tự, một giáo sĩ hằng thiết tha với tương lai văn hóa Công giáo trong nước, và linh mục Dũng Lạc Trần Cao Tường, người mục tử đã hiến trọn đời mình cho sứ mạng cầm bút, coi văn hóa như một Mục Vụ trong đời linh mục của ngài trong suốt thời gian lưu cư ở hải ngoại. Cả hai đã có những cái nhìn rốt ráo nhưng khá bi quan về hiện trạng sinh hoạt sách báo Công giáo ở trong cũng như ngoài nước. (Tuy vậy, hàm ẩn bên trong những thực tế có phần bi quan, hai linh mục vẫn dặt để rất nhiều hy vọng vào tương lai văn hóa Công giáo Việt qua những tiềm năng trong tập thể giáo sĩ cũng như giáo dân trong và ngoài nước).
Không bằng lý thuyết viển vông, nhưng với chứng liệu cụ thể nhìn được bằng mắt, sờ nắn được bằng tay, trước hết, hai vị đã cho người đọc thấy rõ bối cảnh nghèo nàn, thưa thớt của sinh hoạt văn hóa mang sắc thái Công Giáo ở quê nhà và trong các cộng đồng tín hữu ở hải ngoại. Nếu không tin, khi có dịp viếng thăm Tiểu Sàigòn, nơi được mệnh danh là thủ đô của người tị nạn Việt Nam xin quí độc giả ghé vào các tiệm sách lớn ở đây sẽ thấy đúng như nhận định của hai linh mục Trăng Thập Tự và Dũng Lạc: bên cạnh hàng hàng lớp lớp những pho sách nghiên cứu, trước tác, dịch thuật về thiền, về Phật học, trên các kệ sách, người ta chỉ thấy lác đác vài ba tác phẩm mang nội dung văn hóa Công giáo! Ngay trong những thư quán dành riêng để phổ biến những văn hóa phẩm Công giáo cũng khó tìm được những tác phẩm có chất lượng, ngoài Kinh Thánh và một số sách tu đức thông dụng.
Nếu có thì giờ tìm vào những thư viện của người địa phương ở nam California, nơi tiếp nhận hàng ngày không ít độc giả Việt Nam, người đọc cũng nhận ra tình trạng tương tự. Đó là sự vắng bóng những văn hóa phẩm Công giáo có chất lượng bằng Việt ngữ, nói chi đến những công trình văn hóa của những tác giả Công giáo Việt nam viết bằng ngoại ngữ?
Nông nỗi này do đâu mà có?
Tản mạn trong những bài viết của hai linh mục Trăng Thập Tự và Dũng Lạc, chúng ta có thể tìm được câu trả lời khá chuẩn xác.
Trước hết là sự thiếu vắng một đường hướng, một chủ trương xây dựng, khuyến khích và phát huy văn hóa Công giáo từ thượng tầng Giáo hội (trong nước) cũng như trong các cơ cấu lãnh đạo thuộc các cộng đồng (hải ngoại, mà điển hình là các Cộng đồng, Cộng đoàn, các tổ chức LĐCG). Mặc dầu gần đây, trong các ban ngành thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã có một Ủy ban gọi là Ủy ban Văn hóa Giáo dục, nhưng tuồng như vấn đề này vẫn chưa được chú trọng đủ.
Người viết không có điều kiện để nói về những căn nguyên khiến cho sinh hoạt sách báo và nói chung sinh hoạt văn hóa Công giáo ở quốc nội bị trì trệ, ngoài những khó khăn do chủ trương không chế, chèn ép của đảng và nhà nước cộng sản gây ra. Với kinh nghiệm của một người cầm bút Công giáo ở ngoài nước, ít nhiều chúng tôi đã có những tiếp xúc, những va chạm để nhìn ra một số những khó khăn tưởng như không dễ vượt qua mà căn bản vẫn là do sự thiếu ý thức của những thành phần có trách nhiệm.
Nói gần nói xa chẳng qua nói thật. Xin phép được vượt qua khỏi những e ngại theo thói thường để một lần dám nói thật, nói thẳng tới trường hợp của chính mình, với tư cách người làm báo và làm văn hóa Công giáo. Trong 31 năm sống lưu vong ở xứ nguời, cá nhân người viết đã bỏ công sức, thì giờ cùng một số anh em làm báo Công giáo (nguyệt san Đường Sống trong suốt thập niên 80 đầu thập niên 90 và nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân hiện nay) đồng thời vắt tim óc viết được 8 cuốn sách. Ngoại trừ một truyện ngắn và một truyện dài[1] mà bàng bạc trong đó ít nhiều cũng chứa đựng tinh thần, tư tưởng nhân bản Kitô giáo, 6 tác phẩm còn lại gồm một thi tập, một tâm bút, 4 biên khảo[2] hoàn toàn mang nội dung Công Giáo. Ngoài sự khích lệ quí báu về tinh thần của quí linh mục Trần Đức Huynh, Cao Phương Kỷ, Dũng Lạc Trần Cao Tường, Phạm Văn Tuệ, Vũ Đảo, cố linh mục Hồng Phúc, Vũ Đình Trác và sự tiếp tay phổ biến của Đức Ông Phạm Văn Phương, nhà sách Trái Tim Đức Mẹ Dòng Đồng Công, gần như chúng tôi không nhận được sự hỗ trợ cụ thể nào của cộng đồng Công giáo sở tại[3]
Sở dĩ người viết còn có phương tiện để tiếp tục viết và sáng tác chính là nhờ niềm tin, lòng nhiệt thành của cá nhân mình và sự tiếp tay của bạn bè khắp nơi[4], nhất là những độc giả yêu sách trong cộng đồng Công giáo ở nam, bắc California và ở Houston trong những lần giới thiệu tác phẩm tại những địa phương này.
Kiểm điểm trong số những người làm văn, làm thơ, viết báo ở trong nước cũng như ở hải ngoại, chúng ta thấy khá đông người Công giáo. Điều đáng suy nghĩ như linh mục Dũng Lạc Trần Cao Tường đã có lần nhận định là nhà văn, nhà báo có niềm tin Công giáo thì nhiều, nhưng nhà-văn-nhà-báo-Cônggiáo-đúng-nghĩa thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay! Ý cha Tường muốn nói tới con số quá ít oi những nhà văn, nhà báo có những tác phẩm, những bài viết phản ánh nếp suy tư xuất phát từ Tin Mừng và niềm tin của người Kitô hữu.
Trộm, nghĩ, đây là một sự chọn lựa chẳng đặng đừng.
Quyết định làm chứng nhân bằng ngòi bút là quyết định đi vào con đường hẹp, không thiếu chông gai. Ngoại trừ những thiên tài được Thiên Chúa ban cho một tài năng đặc biệt để có được những tác phẩm mà người đọc thuộc mọi tôn giáo đón nhận, tuyệt đại đa số những người viết về người, việc và niềm tin Công giáo đều chỉ mong được những người đồng đạo đón đọc là vui rồi. Ấy vậy mà lại không được sự hỗ trợ của những thành phần lãnh đạo trong cộng đồng, trong Giáo hội thì con đường vốn đã hẹp lại hẹp thêm. Trong điều kiện như thế làm cách nào có đủ sức thuyết phục những người cầm bút có niềm tin Công giáo viết về Giáo hội, về những cảm nghiệm sống niềm tin của mình?
Kết quả là cái vòng luẩn quẩn: khu vườn văn hóa Công giáo vốn đã quạnh hiu vắng vẻ lại không được chủ vườn quan tâm tìm kiếm, đãi ngộ, khuyến khích những thợ vườn chuyên nghiệp để họ hăng say, quyết tâm săn sóc, vui tưới “cây văn hóa” thì làm sao có được những hoa trái xanh tươi? Trên thượng tầng đã không có đường lối, chính sách, những cấp lãnh đạo trung gian lại viện cớ bận mục vu hàng ngày trong nhà thờ, trong việc thi hành Bí tích, tỏ ra thờ ơ đối với văn hóa Công giáo, chưa coi nó như một trong những Mục Vụ của người mục tử thì cảnh tượng tiêu điều trong sinh hoạt văn hóa Công giáo chỉ là điều tất nhiên mà thôi.
Cùng với người làm văn hóa Công giáo thuộc thành phần giáo dân, linh mục Trần Cao Tường đã hơn một lần lập lại điều mong ước nhỏ nhoi: phải chi những người viết văn làm báo Công giáo hôm nay được các Đấng Bậc ghé mắt ban phát cho chút phương tiện trị giá bằng một cái cột xây nhà thờ thì mừng biết mấy! Cá nhân người viết những giòng này chỉ có một ước vọng khiêm tốn là quí linh mục đang là cha sở hoặc là quản nhiệm các cộng đoàn Việt Nam nếu không có được những hỗ trợ về mặt vật chất cho những công trình văn hóa Công giáo thì ít nữa cũng có những cử chỉ những lời lẽ khuyến khích giáo dân của mình quan tâm nuôi dưỡng những tờ báo những văn hóa phẩm Công giáo, bất kể do giáo sĩ hay giáo dân thực hiện. Như Đức Ông Phương, như quí linh mục Trần Đức Huynh, Cao Phương Kỷ, Phạm Văn Tuệ, Trần Cao Tường, Vũ Đảo, Phạm Ngọc Tuấn, Nguyễn Văn Tuyên đã làm.
Từ mong ước kể trên của linh mục Dũng Lạc Trần Cao Tường,, bỗng dưng người viết những giòng này nghĩ tới những ngôi nhà thờ còn khá tốt, hoặc mới xây cất chưa được bao lâu chung quanh Sàigòn, đã bị phá bỏ để xây lại đồ sộ hơn. Sư liên tưởng cũng khiến chúng tôi nhớ tới lời phê phán của một ông bạn bên nhà về con số vài chục tỉ đồng Việt Nam đã được quyên góp bên này bên kia để xây dựng lại bằng được ngôi nhà thờ của dòng Đa Minh trên đường Trương Minh Ký thuở trước.
Thử hỏi, đâu là sứ vụ hàng đầu của Giáo hội Công giáo?
- Là xây dựng những công trình kiến trúc nguy nga?
- Là tạo nên một hình ảnh Giáo hội hùng mạnh về vật chất?
Hay chỉ là thể nghiệm trong mọi góc cạnh đời sống tinh thần chơn chất, khó nghèo, trong sáng của Tin Mừng Chúa Giêsu trong nếp suy nghĩ và hành động của con người để mời gọi họ tìm về với Người? Mà việc làm này hẳn không chỉ trông cậy vào việc xây dựng nhà thờ, vào sức mạnh vật chất. Nó hệ tại ở nỗ lực xây dựng con người, những con người có văn hóa –văn-hóa-sự-sống, văn-hóa-Kitô-giáo-. Hình ảnh những Ngôi Thánh Đường nguy nga bên trời Âu mỗi ngày một trống vắng giáo dân đã là dẫn chứng sống động.
Nghĩ gì, làm gì cho tương lai Văn hóa Công giáo?
Mời độc giả tìm đọc những đề nghị, những suy tư sâu sắc ẩn sâu trong những bài viết của linh mục Dũng Lạc Trần Cao Tường và linh mục Trăng Thập Tự trên Diễn Đàn Giáo Dân số này. Ước mong những đề nghị cụ thể kể trên sẽ được Hội Đồng Giám Mục, quí giám mục cai quản các giáo phận, quí linh mục quản xứ trong nước lắng nghe để mở đường cho “Cây Văn Hóa Công Giáo” bén rễ nảy mầm trong tâm hồn những thế hệ trẻ thơ, ngay từ khi còn quẩn quanh bên gối mẹ cho tới khi chập chững cắp sách đến những mái trường Công giáo, cho dẫu có phải đương đầu với những khó khăn trùng điệp hiện nay. Trong các cộng đồng Công giáo Việt nam ở hải ngoại, ước mong những người có trách nhiệm chăn giắt linh hồn các tín hữu sớm nhìn ra giá trị và sức mạnh của văn hóa trong đời sống đức tin để giành đôi chút ưu tiên cho lãnh vực này qua những cử chỉ những lời nói nâng đỡ thiết thực những người làm báo, làm văn hóa Công giáo.
Có lần Chúa Giêsu đã nói: rồi đây người ta sẽ không còn thờ Thiên Chúa trong đền thờ Giêrusalem nữa mà thờ Người trong tâm hồn. Cái gì sẽ là phương tiện để Thiên Chúa bước vào ngưỡng cửa tâm hồn con người nếu không là những suy tư văn hóa chuyển tải Tin Mừng Cứu Độ của Thiên Chúa Ngôi Hai? Mọi thứ rồi sẽ qua nhưng những dấu vết còn ghi lại trong những công trình văn hóa sẽ tồn tại mãi mãi.
Từ hơn nửa thế kỷ qua, những người vốn thâm thù, ghét bỏ đạo Công giáo luôn lớn miệng lên án Công giáo là tà đạo, là đạo ngoại lai, là phản lại tinh thần văn hóa dân tộc. Cùng với những kẻ vô thần họ tìm hết cách để phủ nhận những đóng góp to lớn của các giáo sĩ, nhân sĩ Công giáo trong nỗ lực làm phong phú kho tàng chữ Nôm đồng thời xây dựng nền tảng vững chắc cho công cuộc xây dựng và phát triển nền văn chương Quốc ngữ.
Với hơn 100 tác phẩm văn Nôm do các chủng sinh và giáo sĩ, nhân sĩ Công giáo thực hiện trong những thế kỷ trước mà linh mục Nguyễn Hưng cùng với nguyên nghị sĩ quá cố Nguyễn Đức Quý sưu tầm được và lần lượt đưa ra trước công luận gần đây, đến nỗi cả các cơ quan văn hóa nhà nước cộng sản cũng phải nhìn nhận, là một bằng chứng cho thấy giá trị hằng cửu vủa văn hóa. Có điều đáng tiếc là cho đến nay việc làm này của linh mục Nguyễn Hưng vẫn chưa được các Đấng Bậc trong Giáo hội quê nhà quan tâm đúng mức. Trong cuộc tiếp xúc thân mật với cha năm ngoái, cá nhân chúng tôi đã được ngài tâm sự nhiều điều, dĩ nhiên là buồn hơn vui khi nghĩ về tương lai sinh hoạt văn hóa Công giáo.•
[1] Tuyển tập truyện ngắn “Quê Hương Còn Đó” do Bách Việt ấn hành năm 1982 và truyện dài “Một Thời Mê Hoặc” do Tin Vui ấn hành năm 1997.
[2] Đó là thi phẩm “Dấu Chân Trên Cát” tâm bút “Bên Vực Tử Sinh” và các tác phẩm biên khảo “Một Thoáng Nhìn Về GHVN Qua Biểu Tượng Đức Gioan Phaolô II”, “Thánh Thể, Trung Tâm Đời Sống Giáo Hội”, “Phan Văn Lợi, Người Là Ai?” do Tin Vui ấn hành từ 1995 đến 2001, tác phẩm TT/TTĐSGH tái bản năm 2004. Riêng tác phẩm “Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Vĩ Nhân Thời Đại” do tủ sách Tiếng Quê Hương ấn hành tháng 8 năm 2005 và tái bản lần thứ nhất tháng 5 năm 2006.
[3] Trừ cuốn “Thánh Thể, Trung Tâm Đời Sống Giáo Hội” đã được văn phòng điều hành PT Cursillo VN Giáo phận Orange mua giúp 50 cuốn ấn bản đầu năm 2000 và 20 cuốn lần tái bản thứ nhất năm 2004. Cũng tác phẩm này, linh mục Phạm Ngọc Tuấn đã có nhã ý mới tác giả tới nói đôi điều với giáo dân Cộng đoàn Thánh Linh trong hai Thánh Lễ Chúa Nhật và dịp này đã phổ biến được trên 60 cuốn.
[4] Xin đặc biệt ghi nhận sự hỗ trợ thiết thực của ba người bạn thân cho cuốn sách mới nhất của chúng tôi trong ấn bản đầu và của một ân nhân đặc biệt khác ở Texas trong dịp tái bản vừa qua.