THƯ TÒA SOẠN DIỄN ĐÀN GIÁO DÂN SỐ 53 - THÁNG 04-2006

        Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ vừa bước vào Mùa Chay, Mùa Xám Hối để chuẩn bị tâm hồn đón nhận hồng ân Phục Sinh. Trên Diễn Đàn Giáo Dân số này, quí độc giả sẽ được đọc Thông Điệp đầu tiên của ĐTC Biển Đức XVI với chủ đề “Nhìn thấy dân chúng đông đảo Chúa Giêsu chạnh lòng thương xót”. Một đoạn trong Thông Điệp Đức Thánh Cha viết:
        “Cùng với Chúa Giêsu, Giáo Hội cảm thương đám đông dân chúng. Vì thương dân, Giáo Hội ngày nay tự ràng buộc mình với một nhiệm vụ mới, đó là thách thức các nhà lãnh đạo chính trị và những người nắm quyền trên nền kinh tế cũng như tài chánh, phải biết cổ võ cho sự phát triển được căn cứ trên phẩm giá của mỗi một con người, cả nam lẫn nữ.
        “Một thước đo thiết yếu giúp nghiệm xét các thành quả của những nỗ lực trên, là sự tự do tôn giáo. Tự do tôn giáo không chỉ có nghĩa là được tự do loan báo và mừng kính Chúa Kitô mà thôi, nhưng còn phải là cơ hội xây dựng thế giới qua việc vun trồng đức ái. Những nỗ lực này phải bao gồm việc nhìn nhận vai trò chính yếu của các giá trị tôn giáo chân thực, nhằm đáp ứng nỗi quan tâm sâu thẳm nhất của con người và đồng thời, cung ứng các động lực luân lý thúc bách con người nhận lãnh trách nhiệm cá nhân và xã hội. Đây là tiêu chuẩn mà những người Kitô hữu nên sử dụng để đánh giá hoạch định chính trị của các nhà lãnh đạo”.
        Không còn có điều gì để hoài nghi Giáo Hội Công Giáo không quan tâm tới đời sống xã hội của con người, trong đó bao gồm cả lãnh vực chính trị vốn thường bị coi là vùng đất cấm đối với người tín hữu. Theo quan điểm của Giáo Chủ Biển Đức, phát xuất từ lòng cảm thương về thân phận con người, nhất là những thành phần thấp cổ bé miệng, Giáo Hội không thể thờ ơ với chính trị mà có bổn phận phải để mắt tới những hành vi của giới cầm quyền thuộc mọi chế độ, mọi ý thức chính trị, thách thức và thúc đẩy họ phải lo cho phúc lợi của người dân. Và để làm được điều này, theo Đức Thánh Cha, cần có tự do tôn giáo, vì tự do tôn giáo chính là “thước đo thiết yếu giúp nghiệm xét các thành quả” những hành vi của giới cầm quyền.
        Là người lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ nhưng Giáo Chủ Biển Đức không đặt vấn đề tự do riêng cho tập thể tín hữu Công Giáo. Ngài đặt vấn đề tự do tôn giáo cho mọi niềm tin của con người trên mặt đất. Như thế, tình trạng phân biệt đối xử của nhà nước cộng sản Việt nam giữa các tôn giáo –cho dẫu trong đó tập thể Công Giáo tuồng như đang được o bế, dễ dãi- có phải là điều để người tín hữu chúng ta, nhất là hàng giáo phẩm nhắm mắt làm ngơ trước sự kiện các tôn giáo bạn đang bị bách hại không? Mời độc giả đọc bài “Một Thoáng Suy Tư Về Đường Lối Lãnh Đạo GGHCGVN Hiện Nay” của tác giả Thạch Nguyên trên điện báo Sứ Mệnh Giáo Dân số 2 và được trích đăng trân Diễn Đàn Giáo Dân số này, để từ đấy hiểu được giá trị những lời huấn dụ trong Thông Điệp Mùa Chay năm nay của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, cách riêng đối với những gì đang diễn ra tại Việt nam hôm nay.
        Sau khi phác họa toàn cảnh an bình, phát triển bề ngoài do nhà nước ban phát qua sự kiện nhà thờ được khuyến khích tân trang, đập phá xây cất lại và hàng loạt giáo sĩ, giáo phẩm ồ ạt xuất ngoại trong khi các giáo hội bạn bị chèn ép bách hại tàn bạo, tác giả viết:
        “Như vậy ở trong nước, GHCGVN đang bị nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đặt vào thế đối nghịch với các tôn giáo khác...
        “Ai cũng biết quyền tự do tôn giáo không thể có bằng cách ưu đãi một tôn giáo này và đàn áp, chèn ép tôn giáo khác. Đây chẳng qua là đòn phép cố hữu, chia để trị của đảng cộng sản Việt Nam, dùng đạo này để chống đạo kia, khiến các tôn giáo so bì, ganh tị, kình chống lẫn nhau và tự mình làm suy yếu đi. Ngư ông đắc lợi không ai khác hơn là nhà nước cộng sản!
        “Tự do tôn giáo là quyền căn bản của con người, không phải là ơn huệ của kẻ cầm quyền ban phát cho tôn giáo này nhưng cấm đoán hay hạn chế tôn giáo khác với mục đích chia rẽ. Tự do tôn giáo là tự do bày tỏ, sống thật niềm tin của mình, nơi riêng tư cũng như nơi công cộng mà không phải xin phép hay lo sợ bị bất bớ giam cầm. Tự do tôn giáo chỉ có thể có khi tất cả tôn giáo đều có những quyền đó, không phải là đặc quyền riêng của một tôn giáo hay một giáo hội nào.”
        Cùng cưu mang một mối ưu tư chung khi nhìn về hiện tình GHCGVN, trong bài “Hãy khóc cho các ngươi và cho con cháu của các ngươi”, Linh Mục Đinh Xuân Long đã nhắc lại nội dung bản Nghị Quyết 1481 của Hội Đồng Liên Hiệp Âu Châu để nêu lên câu hỏi:”Không lẽ Hội Đồng Châu Âu đã trở nên những ngôn sứ nói thay cho chúng ta hay sao? Việc lên án sự dữ, bất công là bổn phận và ý thức luân lý và lương tâm của mỗi người trong chúng ta. Vậy bạn hãy cùng tôi lên tiếng chống lại những tội ác vi phạm nhân quyền, tự do và phẩm giá con người tại VN. Hãy cùng tôi mời gọi các vị lãnh đạo tinh thần, các linh mục, Hội Đồng Giám Mục VN, những ngôn sứ của sự thật, những chiến sĩ tiên phong cho công lý và tình thương, hãy gióng lên tiếng nói của sự thật, lên án sự dữ của chế độ CSVN hầu ngăn chận các thảm trạng và đại họa đang xảy ra trên quê hương chúng ta.”
        Từ quốc nội, tiếp theo những bước đi tiên phong của các Linh Mục Chân Tín, Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Hữu Giải, Phan Văn Lợi, nhiều giáo sĩ và giáo dân khác cũng đã bắt đều lên tiếng đòi hỏi quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Những giáo sĩ giáo dân can trường này đả minh nhiên ký tên xác định tự do ngôn luận, tự do báo chí là quyền đương nhiên của mọi người
        Từ tháng 4-75 đến tháng 4-06, đã 31 năm trôi qua. Quê hương và Giáo Hội Công Giáo miền nam đã phải chia chung nỗi đau của Quê hương và Giáo Hội Công Giáo miến bắc. Ngày 30-4-1975 được mệnh danh là ngày thống nhất hai miền đất nước, nhưng thực tế là ngày nhận chìm toàn thể lãnh thổ vào một cơn ác mộng dài dặc, đầy dẫy những khổ đau tang tóc!
        Trong cảnh ngộ ấy, mọi thành phần dân tộc, trong đó có Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, đều phải chia chung phần trách nhiệm. Trách nhiệm loại trừ những căn nguyên của tội ác để xây dựng một nước Việt Nam an bình, tự do, dân chủ và no ấm.

DIỄN ĐÀN GIÁO DÂN