THƯ TÒA SOẠN DIỄN ĐÀN GIÁO DÂN SỐ 52 - THÁNG 03-2006

        Quí độc giả đang có trên tay Nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân số Tân Niên Bính Tuất, 2006. Một lần nữa nhóm chủ trương cùng các cộng tác viên chân thành gửi tới toàn thể quí vị những lời chúc tốt đẹp nhất trong Năm Mới này.
        Đối với mỗi gia đình, mỗi cá nhân, ước mong trong năm Bính Tuất quí vị sẽ đạt được mọi điều may lành trong Ơn Nghĩa và Phúc Lộc tràn đầy của Thiên Chúa. Đối với Giáo Hội quê nhà, năm nay sẽ là năm nhắc nhở mọi người -từ hàng giáo phẩm, giáo sĩ, tu sĩ tới giáo dân- duyệt xét lại cung cách suy nghĩ và hành động trong năm qua để cùng nhau quyết tâm trở về với những đòi hỏi khẩn thiết của Tin Mừng như linh mục Nguyễn Hồng Giáo ao ước trong bài “Vài Nhận Định Về Giáo Hội Trong Năm 2005”. Cũng từ sự trở về ấy, tập thể tín hữu Công giáo sẽ cùng các thành phần dân tộc khác góp phần đắc lực vào công cuộc đấu tranh chung chống lại những thế lực hận thù, tàn ác, để xây dựng một nước Việt Nam phú cường, tự do và dân chủ, trong đó những quyền năng căn bản của người dân được bảo đảm

        Mời quí độc giả cùng đọc bài viết của tác giả Đỗ Mạnh Tri (Pháp), bản chuyển ngữ của Phạm Hồng Lam (Đức) về nội dung thông điệp “Thiên Chúa Là Tình Yêu” của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, để nhận ra con đường của Giáo Hội và cũng là con đường của mỗi tín hữu Công Giáo phải noi theo hôm nay. Đó là con đường Tình Yêu như chính Thiên Chúa là Tình Yêu, Đấng đã yêu thương nhân loại nhưng không, bằng cách sai Con Một của Ngài xuống thế, hi sinh đến giọt máu cuối cùng để làm giá chuộc loài người.
        Câu Chuyện Từ Nước Đức của Phạm Hồng Lam đã chỉ ra một sự thật: công cuộc truyền bá Tin Mừng, dù bất cứ ở đâu, trong quá khứ cũng như hiện tại, chỉ đạt được kết quả mong muốn khi mỗi tín hữu, không phân biệt giáo phẩm, giáo sĩ hay giáo dân, biết trung thành với những giá trị đích thực của Tin Mừng, biết mở lòng ra với tất cả mọi người trong tâm tình yêu thương của con cái Chúa. Bài duyệt xét lại tình hình Giáo Hội Việt Nam trong năm 2005 của linh mục Nguyễn Hồng Giáo là tấm gương phản chiếu những gì chúng ta cần biết để tự sửa sai khi bước qua năm mới.
        Cha viết: “Nhờ có nhiều phương tiện vật chất, Giáo Hội làm được nhiều việc rất tốt, nhưng cám dỗ theo xu hướng phát triển bề ngoài cũng có nguy cơ đe dọa việc phát triển ở chiều sâu Tin Mừng. Và quần chúng nghèo khó có lẽ đang cảm thấy Giáo Hội xa cách mình dần dần. Gần đây một số kiều bào ở Mỹ và châu âu đã lên tiếng công khai phê bình một số người trong hàng giáo sĩ và tu sĩ chúng ta lúc nào cũng nói mình có nhu cầu để rồi không biết dừng lại trong việc đi xin tiền ngoại viện; các kiều bào ấy còn tỏ ra nghi ngờ số tiền xin được không phải lúc nào cũng phục vụ cho lợi ích chính đáng của Giáo Hội hay người bất hạnh. Đúng hay sai, thiết nghĩ đó vẫn là những lời phê bình đáng cho ta ngẫm nghĩ. Tiền của bao giờ cũng dễ kéo theo tính phô trương tự đắc, lòng ham hố danh vọng, chức quyền và nhiều thứ khác đi ngược với Tin Mừng”.
        Ở một đoạn khác trong bài nhận định, linh mục Nguyễn Hồng Giáo viết: “Vậy chỉ có phẩm chất Tin Mừng trong cách chúng ta phục vụ người khác mới là tiêu chuẩn –và là tiêu chuẩn ưu tiên- để các cộng đoàn Giáo Hội tự đánh già mình…” Mà phẩm chất Tin Mừng là gì nếu không phải là trở về với những giá trị tinh ròng trong Giáo Hội, một Giáo Hội nghèo-về-vật-chất nhưng giàu-về-tình-yêu-thương, can đảm đương đầu với những thế lực của sự ác, sẵn sàng cất lên tiếng nói công chính, lúc thuận cũng như lúc nghịch, để bênh đỡ những thành phần nghèo khó, thấp cổ bé miệng, nạn nhân của cường quyền bạo lực.
        Như thế, từ những suy tư sâu lắng của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI trong thông điệp “Thiên Chúa Là Tình Yêu”, tới những nhận định chân thành cùa linh mục Nguyễn Hồng Giáo, một lần nữa tái xác định con đường duy nhất -con đường độc đạo- mà Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ hôm nay (trong đó có Giáo Hội Việt Nam) phải dõi theo là trở về với phẩm chất tinh ròng của Tin Mừng. Sống theo Tin Mừng là chấp nhận con đường hẹp, là từ bỏ lối sống bề ngoài, xa hoa phù phiếm, là chấp nhận thua thiệt, dám hi sinh những đặc quyền đặc lợi thế trần, sẵn sàng đồng hóa với những thành phần thấp kém, bất hạnh nhất trong xã hội.
        Chúng ta hiểu thế nào về lời than của cha Nguyễn Hồng Giáo: “quần chúng nghèo khó có lẽ đang cảm thấy Giáo Hội xa cách mình dần dần” trong bài nhận định về tình hình GHVN trong năm qua?

Bài viết của nhà văn nữ Dương Thu Hương trên Diễn Đàn Giáo Dân số này cũng đặt ra cho người tín hữu Công Giáo chúng ta –đặc biệt là giới lãnh đạo- những đòi hỏi cấp thiết phải “trông người lại gẫm đến ta”. Điều này có nghĩa là GHCGVN không thể chủ quan tin rằng mình hoàn hảo. Trái lại, phải thành khẩn nhìn lại thực trạng chính tôn giáo của mình dưới sự soi dẫn của ánh sáng Tin Mừng. Câu hỏi của nhà văn họ Dương: “Quyền lực nào áp chế những người tu hành và thả lũ lợn bẩn thỉu vào khắp các chùa chiền xứ sở?”là một câu hỏi mang âm hưởng đau đớn nhưng rốt ráo về tình trạng bi thảm của một tôn giáo bạn trước chủ trương khống chế, xâm nhập ngang nhiên, bỉ ổi của đảng và nhà nước cộng sản vào hàng ngũ tăng sĩ trong chốn thiền môn!
        Về phần GHCG, không ai phủ nhận rằng: nhờ có tổ chức chặt chẽ và nhất là nhờ phương thức đào luyện giáo sĩ, tu sĩ căn cơ với truyền thống lâu đời, chúng ta may mắn không đến nỗi bị rơi vào cảnh ngộ bi thương trên đây. Tuy nhiên, vẫn còn đó những câu hỏi nhức nhối không thể không được đặt ra.
        Vì sao trong nội bộ HĐGMVN vẫn chưa có được một sự tín thác huynh đệ cần thiết tối thiểu để mỗi thành viên có thể giãi bày mọi suy tư về tình hình giáo hội và xã hội mà không sợ lọt ra ngoài như đã có những lời phàn nàn của một vài Giám Mục khi tâm sự với người thân trong những dịp qua Rôma, Hoa Kỳ và các quốc gia Âu châu? Lý do nào cản trở khiến HĐGMVN chưa có những tiếng nói cứng rắn đủ, nhân danh Tin Mừng, để cảnh giác giới hữu quyền về căn nguyên đưa tới những tệ nạn xã hội –kể cả trong lãnh vực giáo dục- coi như đã đến giai đoạn ‘hết thuốc chữa’ như hiện nay, trong đó bao gồm cả những khía cạnh cấm kỵ theo giáo lý và tín lý của Giáo Hội như nạn mãi dâm, mua bán phụ nữ và nhất là tệ trạng phá thai thả giàn? Thêm một câu hỏi chót trong số hàng chục câu hỏi khác là: Do đâu đã nảy sinh ngày càng nhiều thêm trong hàng ngũ giáo sĩ những con sâu đang làm ‘rầu nồi canh’ Giáo Hội qua lối sống buông thả và khuynh hướng đua đòi chạy theo nhu cầu vật chất lâu nay?
        Từ những câu hỏi nhức nhối trên đây nảy sinh một vấn nạn không thể bỏ qua: Sau ba thập niên thống trị miền Bắc và 30 năm thôn tính nốt được miền Nam, vì không thể thay thế trắng trợn hàng ngũ giáo sĩ Công Giáo như họ đã làm với một tôn giáo bạn qua phát giác của nhà văn Dương Thu Hương, nhưng với những thủ đoạn tinh vi âm độc khác, chế độ đồ tể cộng sản đã thực hiện được những gì trong dã tâm lèo lái và ảnh hưởng tới lối sống và hành xử Tin Mừng theo cung cách hiện nay của hàng giáo sĩ VN?
        Giữa đêm đen vẫn có những tia lửa Hy Vọng. Vào những ngày đầu năm mới Bính Tuất, vài sự kiện lạc quan đang mở ra trước mắt chúng ta. Trong khi một số linh mục tiếp tục lên tiếng kêu gọi đồng bào quốc nội tẩy chay các cuộc bầu cử gian dối, hình thức của cộng sản, đòi trả lại tên cho Tổng Giáo Phận Sàigòn, Nghị Viện Âu Châu đã thông qua Nghị Quyết 1481 cực lực lên án những hành vi tàn ác của chế độ độc tài toàn trị cộng sản. Tuy không chỉ đích danh, nhưng ai cũng hiểu, trong số những chế độc cộng sản còn rơi rớt lại này có chế độc cộng sản Việt Nam.
        Sau hết, nhưng không kém phần quan trọng: Tấm bia tưởng niệm những nạn nhân Cộng sản trên đường vượt biển tìm Tự Do vừa được dựng lên tại Genève, nơi ngót nửa thế kỷ trước, CSVN đã toa rập với thực dân Pháp chia đôi đất nước. Niềm đau vì hai tấm biaở Nam Dương và Mã Lai bị CSVN áp lực phải đập bỏ, đã được tẩy rửa.

DIỄN ĐÀN GIÁO DÂN