Tứ duy

Mặc-Thanh

 

                * Khi một thể-chế chính-trị lấy dân làm trọng, lấy sự hưng-thịnh của đất nước làm gốc thì giới lãnh-đạo phải biết và phải giữ vững đuợc bốn giềng mối chính là lễ, nghĩa, liêm, sỉ -gọi chung là ‘tứ duy’.

* Xã-hội Việt-Nam hiện nay hầu như đã thiếu vắng hơi nhiều nét đẹp của những chữ này vì trên dưới, trước sau người ta chỉ còn nhìn thấy đơn độc một bầu khí xô-bồ, lao-xao của quyền và lợi.

* Những biến động và ảnh hưởng chung quanh vụ Thái Hà hiện nay là một tín-hiệu cho thấy tứ duy đang phục-hồi trong lòng dân-tộc.

            * “Tôi đã thưa chuyện với anh em tôi trong toàn Tỉnh Dòng, chúng tôi là một, thân phận chúng tôi gắn liền với nhau. Chúng tôi đuợc sai đi để làm chứng cho sự thật và chúng tôi tin rằng “sự  thật giải thoát chúng ta”. Cha Bề Trên Tổng Quyền và các đơn vị Tỉnh Dòng anh em của chúng tôi luôn bên cạnh chúng tôi, hiệp thông và cầu nguyện cho chúng tôi” (Lời minh định của LM Phạm Trung Thành, Giám tỉnh DCCT Việt nam khi trả lời câu hỏi của tác giả bài viết này, với tư cách cộng tác viên thường xuyên của DĐGD, hôm 08-9-2008 tại Sàigòn).

 

Từ một thời-đại xa-xôi cách nay 2300 năm, Mạnh Tử đã có tư-tưởng tôn-trọng và đề-cao nền dân-chủ dân-quyền với câu nói “dân vi quý, xã-tắc thứ chi, quân vi khinh” (Tận Tâm hạ, 14). Đấy cũng chính là mẫu-mực và đạo trị-quốc của bất kỳ người lãnh-đạo nào thực sự có lòng thiết-tha với dân, với nước mà xưa nay người ta định-loại cho đấy là nền chính-trị vương-đạo trong đó điều nhân, điều nghĩa được triệt-để phát-huy. Ngược lại với  đường lối này là nền chính-trị bá-đạo mà chỉ có những cá-nhân, những tập-đoàn lãnh-đạo chủ-trương củng-cố bá-quyền cho mình, cho phe đảng bằng chính-sách độc-tài, dối gạt, tàn-ác và lừa đảo dân chúng; với kiểu bá-đạo này, họ công-khai chà đạp lên mọi thứ quyền lợi căn-bản của người dân. Từ đó suy ra, vương-đạo là đạo lớn của kẻ sĩ nêu đại chí cứu nước, giúp đời; còn bá-đạo là mục-đích tối hậu của cường-đồ bạo-tặc chỉ mang dã-tâm khắc-nghiệt đè đầu, cuỡi cổ dân để thỏa mãn tham-vọng.

Khi một thể-chế chính-trị lấy dân làm trọng, lấy sự hưng-thịnh của đất nước làm gốc thì giới lãnh-đạo phải biết và phải giữ vững đuợc bốn giềng mối chính là lễ, nghĩa, liêm, sỉ gọi chung là tứ duy. Lễ là sự kính trên nhường duới, biết khiêm-hạ và tôn-trọng người khác bằng kính ý; nghĩa là biết định liệu mọi sự hợp với lẽ phải để tạo sự giao hoà tốt đẹp; liêm  ngay thẳng trong sạch, biết phân biệt nên chăng, không làm sằng bậy và sỉ là biết hổ thẹn về điều xấu đã làm mà sửa đổi những nết sai trái, hư luống...

Xã-hội Việt-Nam hiện nay hầu như đã thiếu vắng hơi nhiều nét đẹp của những chữ này vì trên dưới, trước sau người ta chỉ còn nhìn thấy đơn độc một bầu khí xô-bồ, lao-xao của quyền và lợi. Có quyền thì ăn trên ngồi trước rồi dùng quyền ỷ thế mà hiếp đáp người dưới, mà kìm kẹp lương dân thấp cổ bé miệng; có lợi thì giá nào cũng xong, cách nào cũng xuôi thuận và thu lợi bằng mọi cách bất kể lễ, nghĩa, liêm, sỉ và mất luôn cả nhân, cả trí và tín đức. Bởi vậy mà nhìn đâu cũng thấy những chuyện bất-công, những việc làm bất-chính. Bởi vậy mà thế-giới mới liệt-kê ra đuợc một hạng-mục đặc-biệt trong chốn pháp-đình Việt-Nam gọi là tù-nhân lương-tâm, cái lương-tâm của bất cứ những ai trong lòng có chút lễ, nghĩa, liêm, sỉ.

Trong vòng ít năm gần đây, chính-sách độc-tài chuyên-chế của những người cộng-sản Việt-Nam càng ngày càng không giống một thể-chế nào. Giới đảng-viên lãnh-đạo từ cấp trung-ương đến điạ-phương đã trở thành những tư-bản đỏ với số lượng tư-hữu, tư-sản khổng-lồ và sinh-hoạt còn hơn các chủ-nhân tư-bản, đế-quốc hoặc tham quan ô lại thời phong-kiến; hoặc nói cho đúng hơn thì đúng là những đại-gia xã-hội đen. Người ta chưa thấy một đất nước nào mà đuờng phố lại nhiều khẩu-hiệu và biểu-ngữ như ở Việt-Nam. Người dân trong nước thì chắc chắn chẳng ai nhìn đến những trò hào nhoáng này nữa nhưng với cái nhìn quan-sát của khách vãng-lai thì hiệu-năng phản tác-dụng thật là cao khi chỉ cần nhìn ngay bên cạnh hay phía dưới những khẩu-hiệu, những biểu-ngữ đó là đã thấy có sự chửi nhau chan-chát, chưa kể đến những câu viết tối nghĩa mà người viết ra nó cũng chẳng hiểu nói gì. Tất cả chỉ tố-cáo cho mọi người thấy rõ sự giả-trá, nguỵ-trang và bịp-bợm của một nền chính-trị đã không nhân-trị lại cũng chẳng pháp-trị mà tựu trung là một loại luật rừng rú. Chính vì vậy mà người dân lương-thiện đã như không còn biết sợ cường-quyền và bạo-lực khi những nhu-cầu căn-bản tối-thiểu của họ bị tước-đoạt, khi mảnh đất dung thân bị chiếm-hữu như ông bà xưa vẫn nói con giun bị xéo lắm thì cũng phải oằn mình.

Trong thời gian này, dư-luận trong nước cũng như trên thế-giới đang hướng về Việt-Nam, về Hà-nội để theo dõi việc giáo dân xứ Thái-Hà can-đảm đứng lên đòi lại đất của giáo-xứ đã bị chính-quyền chiếm lấy để kinh-doanh. Nhìn lại mấy vụ đòi nhà đòi đất năm trước như việc dân oan Miền Tây kéo nhau về Sài-gòn khiếu-kiện với nhà nước đòi lại đất đai của họ, rồi đến Giáo-hội Công-giáo đòi lại khu Toà Khâm-sứ không chỉ đơn-giản là cơ-sở tôn-giáo mà trong đó có một phần liên-quan đến luật quốc-tế vì đấy là toà đại-sứ của một quốc-gia có bang-giao, giờ đây là một tập-thể giáo dân đòi lại đất đai cần thiết cho nhu-cầu sinh-hoạt thờ phượng và tâm-linh. Ba việc tuy có khác nhau đôi chút về cơ-cấu nhưng tất cả đều cùng chung một bản-chất là nhà nước đã lạm-dụng bá-quyền để ngang nhiên chiếm hữu nhà đất của người ta, chiếm-hữu không cần dựa trên một căn-bản lề-luật nào mà vẫn là giáo-điều cộng-sản chuyên-chính bất biến theo lối hành-xử độc-tài và khủng-bố.

Với những tin tức đã đưọc loan đi, với những hình ảnh đã đuợc phơi bày và với những tấm lòng kiên-trì và quả-cảm của người dân Thái-Hà trước sự gia-tăng đàn-áp của nhà cầm quyền đã tác-động đuợc trên lương-tâm của nhiều người, nhiều giới-chức và nhiều cộng-đoàn huynh-đệ nên càng ngày càng nhiều tiếng nói hưởng-ứng được gióng lên. Đó là một tín-hiệu cho thấy tứ duy đang phục-hồi trong lòng dân-tộc. Tuy nhiên cũng vẫn còn nhiều bậc “trí-giả thời-thế”- kiểu nhân-vật Trí-tẩu, người đã cười chê, ngạo-báng Ngu-công khi ông quyết định cùng con cháu dời núi - thì vẫn hăng say tô thắm thêm những biểu-ngữ và khẩu-hiệu vàng son như đối-thoại, như hoà-giải, hoà-hợp mà không nhìn thấy một thực-tế hiển-nhiên có đuợc từ hiện-trạng của Thái-Hà là họ đang vác cờ hiệu chạy vòng ngoài khu vườn hoang.

Và, để thêm rộng đuờng dư-luận cũng như hiệp-thông với công cuộc đấu-tranh cho công-bằng và lẽ phải của giáo dân xứ Thái-Hà, với tư cách là cộng tác viên thường xuyên của nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân, người viết bài này xin đuợc kết-thúc bằng cuộc trao-đổi ngắn gọn với linh-mục Giám-tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt-Nam nhân buổi gặp gỡ thân tình ngày 08-9-2008 với hai vị  bề trên cao cấp là linh-mục Vinh-sơn Phạm Trung Thành, Giám tỉnh và linh-mục Giu-se Cao Đình Trị, Phó Giám-tỉnh Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt-Nam

 

Linh-mục Vinh-sơn Phạm Trung Thành

Giám-tỉnh Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt-Nam

 

Linh-mục Giu-se Cao Đình Trị

Phó Giám-tỉnh Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt-Nam

 

Diễn Đàn Giáo Dân: Thưa linh-mục, với tư-cách là một cơ-quan truyền-thông, lại nữa là truyền-thông Công-giáo, Diễn Đàn Giáo Dân chúng con muốn xin được cha chia sẻ cho đôi điều sự thật về tình-trạng đang diễn-tiến tại giáo-xứ Thái-Hà, cụ-thể là:

  1. Do đâu và tại sao mà giáo-xứ Thái-Hà phải khởi-xướng việc đòi lại đất đai rồi dẫn đến tình-trạng hiện nay?
  2. Việc đòi lại đất của giáo-xứ có dựa trên nền tảng pháp-lý nào không? Nói rõ hơn, tiếng nói của giáo dân Thái-Hà có danh chính ngôn thuận không?

Linh-mục Phạm Trung Thành

a.       Thưa chị, tôi nghĩ rằng có nhiều nguyên nhân. Trước hết, do ngưòi dân đã sống rất nhiều năm bị bất công và thiếu sự thật.

Như có lần tôi đã góp tham luận với chính phủ khi được hỏi về vấn đề “xã hội hoá giáo dục, y tế và từ thiện”, người Công giáo đã bị coi là “công dân hạng hai”, thua cả người ngoại quốc trên chính quê hương mìn. Người nước ngoài được vào Việt Nam, mở trường học, mở bệnh viện, làm từ thiện, nhưng người Công giáo trong nước thì không.

Bất công vì rất nhiều người bị oan sai, rất nhiều ngưòi bị bóc lột, họ kêu gào họ khiếu kiện lâu ngày, chẳng ai giải-quyết, thậm chí tiếp tục bị áp bức, điều này Thường vụ Quốc hội Việt Nam trong phiên họp gần đây đã công khai nhìn nhận.

Rất nhiều cơ sở đất đai tôn giáo bị trưng dụng một cách vô lý, khuất tất. Một số người nhân danh Nhà Nước, nhân danh xã hội Chủ nghĩa, tước đoạt của tôn giáo, trao tay mua bán hưởng lợi, kinh doanh trên chính những bất động sản đó, thậm chí kinh doanh các dịch vụ làm băng hoại xã hội, đất nước.

Và sau đó, nguyên nhân gần cho vụ Thái Hà là mảnh đất đang đuợc chúng tôi theo đuổi rất nhiều năm nay (12 năm), bao nhiêu đơn từ gửi đi không một lời đáp trả, đất đang bỏ hoang và bị lấn chiếm dần dần xây nhà, nay bỗng dưng xây tường bao che, đem máy móc nhân công đến để xây dựng, người dân buộc lòng phải phản ứng.

b. Chúng tôi khẳng định rằng (như chúng tôi vẫn khẳng định với tất cả mọi người), chúng tôi có đầy đủ bằng chứng pháp lý và lịch sự về chủ quyền cũng như quyền sử dụng mảnh đất này. Chưa bao giờ cha già Vũ Ngọc Bích đã bán, cho hoặc hiến tặng cho bất cứ ai, bất cứ tổ-chức nào. Tứ năm 1928 đến nay, kể cả từ năm 1954. cộng đoàn nhà dòng chúng tôi không bao giớ bỏ đất vắng chủ (chúng tôi ở lại miền bắc năm tu sĩ) để trở thành đối tượng việc cải tạo ruộng đất.

Chúng tôi đã trưng dẫn hai đoạn ghi âm của cha già Bích trước lúc qua đời, một lần công khai giữa nhà thờ và một lần được một cựu đệ tử, học trò ngài phỏng vấn để viết hồi ký về ngài. Qua hai đoạn ghi âm đó, ngài khẳng định chưa bao giờ ngài hiến cho nhà nước cơ sở đất đai nào cả.

Chúng tôi cũng đã trưng dẫn các lá đơn của cha Bích làm gởi chính quyền để phản đối về việc trưng dụng khu đất nói trên từ năm 1996 khi chuyển đổi sang Công ty Cổ phần May Chiến Thắng.

Tài liệu do Nhà nước dẫn chứng có chữ ký của cha già Bích là bảng kê khai các cơ sở và đất đai khi Nhà Nước ra lệnh kê khai, cha già đã ghi rất rõ rằng ngài là người kê khai và ký tên quản lý, không hề có một dòng chữ nào là hiến cả. Hai tài liệu khác cũng đưọc trưng ra có chữ ký của cha già, nhưng nội dung rất kỳ quặc, cha già “hiến” đất theo một thông tư được trích dẫn, nhưng thông tư đó lại ban hành sau ngày cha già ký...cả năm! Chúng tôi rất sẵn sàng và rất mong có một cơ quan giám định khách quan về những tài liệu này. Mà dẫu rằng cha già đã “hiến” thì theo lịch sử việc hiến đó có giá trị hay không khi ngài bị bức bách phải hiến? Và bản thân cha già cũng không có quyền hiến, vì đây là tài sản của Giáo Hội, không cá nhân nào có quyền hiến, tặng hoặc bán tài sản của Giáo Hội.

 

Diễn Đàn Giáo Dân: Nếu như việc đòi đất này không sai luật và không vi-phạm nguyên-tắc sở-hữu-chủ thì tại sao nhà nước chẳng những đã không giải-quyết thoả-đáng và hợp lẽ mà còn càng ngày càng gia-tăng việc đàn-áp?

Linh-mục Phạm Trung Thành: Chuyện này của Nhà Nước trả lời, tôi nghĩ rằng (vẫn chỉ là tôi nghĩ thôi nhé) hiện nay Nhà nước rất khó giải quyết vì tệ nạn tham nhũng cửa quyền đang hoành hành dữ dội, khắp nơi khiếu kiện, phần nhiều tập trung vào việc đất đai, lãnh vực nhà đất đang là lãnh vực nóng, lợi nhuận rất cao. Các cơ sở đã bị bán, phân tán chia chác hết rồi, không lần ra đuợc manh mối. Hơn nữa về việc đất đai cơ sở của Giáo Hội thì rất nhiều, bị lấy một cách vố lý quá nhiều. Nếu bây giờ giải quyết một vụ Thái Hà, họ e rằng sẽ xẩy ra hàng loạt các vụ Thái Hà khác thì rất nguy, Nhà nước đã cố kềm và phớt lờ đi như vụ Toà Khâm Sứ ở Hà Nội, nhưng dân bây giờ đã có thêm kinh nghiệm ở Toà Khâm Sứ rồi. Đức Tổng Giám Mục Hà Nội đã chẳng nói rằng “không thể theo cách giải quyết xưa cũ nữa, cần phải có giải pháp đột phá” đó sao.

 

Diễn Đàn Giáo Dân: Thưa linh-mục, trong tư-thế là Giám-tỉnh của Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt-Nam, cha có đồng-thuận và ủng-hộ hướng đi hiện nay của linh-mục Vũ Khởi Phụng nếu như cha Phụng và giáo dân Thái Hà vẫn cương-quyết cố-thủ với yêu-cầu chính-đáng của họ cho dù nhà nước sẽ đàn-áp thô-bạo hơn?

Linh-mục Phạm Trung Thành: Tôi đã thưa chuyện với anh em tôi trong toàn Tỉnh Dòng, chúng tôi là một, thân phận chúng tôi gắn liền với nhau. Chúng tôi đuợc sai đi để làm chứng cho sự thật và chúng tôi tin rằng “sự  thật giải thoát chúng ta”. Cha Bề Trên Tổng Quyền và các đơn vị Tỉnh Dòng anh em của chúng tôi luôn bên cạnh chúng tôi, hiệp thông và cầu nguyện cho chúng tôi. Thông tin từ các nơi, trong cũng như ngoài ngước đang ủng hộ chúng tôi mạnh mẽ. Chúng tôi chân thành cám ơn những ủng hộ quí báu này. Xin tiếp tục cầu nguyện cho chúng tôi.

Ngày 8/9/2008 Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria

Linh mục Vinh Sơn Phạm Trung Thành, DCCT.

Giám Tỉnh