Buổi Hội Ngộ của
nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân hôm Chúa Nhật 15-6-2008 đã đạt được những thành quả
mỹ mãn, ngoài sự trông mong của ban tổ chức. Cuộc gặp gỡ tại tòa soạn suốt buổi
sáng đã đem lại cho mọi người –từ nhóm chủ trương, các cộng tác viên, độc giả,
thân hữu và khách mời- một cái nhìn thân ái, tin cậy, lạc quan và tràn đầy hy
vọng trong khi duyệt xét lại 7 năm góp mặt của Diễn Đàn để hướng tới tương lai.
Cuộc hội thảo diễn ra sôi nổi vào buổi chiều tại Trung Tâm CGVN với hai đề tài “Kiếm
Tìm & Sống Linh Đạo Truyền Thông Công Giáo”, “Duyệt Qua Hiện Tình Giáo Hội & Quê
Hương” đã giúp cho cử tọa thấy được những gì đang xảy ra trong lòng đất nước
cùng những khó khăn, bác tạp mà tờ báo phải đương đầu trong khi vẫn nỗ lực không
ngừng để tìm ra một con đường tâm linh cho tác vụ truyền thông Công Giáo. Thánh
Lễ Misa được 5 linh mục cử hành sau đó, ngoài mục đích tạ ơn còn mang ý nghĩa
một lời cam kết trước mặt Thiên Chúa và Giáo Hội của những thành phần đang trực
tiếp hoặc gián tiếp chăm lo nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân. Buổi Dạ Tiệc mừng ngày
Hội Ngộ tại nhà hàng Paracel với việc trao Giải Viết Văn và chương trình văn
nghệ do Ban Hợp Xướng Magnificat với Nhạc Trưởng Trần Chúc và 40 ca viên đã mở
ra một chân trời đầy triển vọng khi Diễn Đàn Giáo Dân bước qua năm thứ 8.
Mời quý độc giả theo
dõi bản tường trình chi tiết về buổi Hội Ngộ mừng kính Thánh Bổn Mạng Thomas
More, đánh dấu 7 năm góp mặt của nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân. Để quý độc giả ở
xa không về tham dự buổi Hội Ngộ có thể chia sẻ những ưu tư của nhóm chủ trương,
nguyên văn hai bài thuyết trình trong cuộc Hội Thảo tại Trung Tâm CGVN Giáo phận
Orange chiều Chúa Nhật 15-6-08 cũng được đăng tải trên tờ báo của chúng ta.
Vấn đề thời sự được
coi là quan trọng nhất trên nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân số này là diễn tiến và
kết quả chuyến viếng thăm Việt Nam thứ 15 của phái đoàn Tòa Thánh. Bản thông cáo
của giáo quyền Vatican công bố sau đó tuy chưa cho thấy những bước tiến cụ thể,
nhưng cũng mở ra một lộ trình mới liên quan tới những mục tiêu từng được đề cập
trong chuyến đi lần này của phái đoàn Tòa Thánh. Từ chuyện đòi nhà nước CSVN trả
lại những cơ sở, đất đai và tài sản của Giáo Hội CGVN từng bị họ trưng dụng lâu
nay như tòa Khâm Sứ cũ ở Hànội, Giáo Hoàng Học Viện ở Đà Lạt và Thánh Địa La
Vang ở Quang Trị, vấn đề phục hồi những quyền tự do căn bản cho người dân, vấn
đề mở rộng quyền tham gia của các linh mục, tu sĩ, giáo dân vào các lãnh vực
giáo dục, xã hội, y tế, quyền phong chức linh mục, cắt cử, bổ nhiệm giám mục…
tới vấn đề bình thường hóa ngoại giao. Để thấy rõ vấn đề mới quý vị đọc mục Viết
Từ Canada do nhà báo Mặc Giao phụ trách thường xuyên trên DĐGD số này.
Nội dung lá thư của đức hồng y Phạm Minh Mẫn đề
ngày 04-6-2008 gửi ba giám mục sẽ cùng ngài tham dự
Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Úc châu năm nay cũng đang trở thành một vấn
đề thời sự sôi động trong dư luận người Việt tị nạn khắp nơi. Nhiều tiếng nói
gay gắt đã cất lên đây đó. Là một cơ quan truyền thông của tập thể công dân Công
Giáo Việt Nam ở hải ngoại, tất nhiên chúng ta không thể đóng vai trò bàng quan
tọa thị. Để nắm bắt được vấn đề mời quý độc giả theo dõi bài viết: “CHÚNG TA
NGHE VÀ CẢM NHẬN GÌ QUA “TIẾNG VỌNG
GIOAN BAOTIXITA” NGÀY 04-6-08?” đăng trên nguyệt san số này. Để rộng đường dư
luận, chúng tôi cũng chọn đăng mấy bài viết trong số hàng chục bài phản ánh quan
điểm của độc giả gửi về tòa soạn trong thời gian qua. Mục Câu Chuyện Từ Nước Đức
của ký giả Phạm Hồng Lam tuy không trực tiếp liên hệ tới câu chuyện nhức nhối
này nhưng ít nhiều nó cũng khơi gợi cho người đọc những cảm nghĩ riêng về chuyện
màu cờ sắc áo. Bài “Từ Một Huyền Thoại” của bà Phạm Minh Tâm (Úc châu) giúp
người đọc nắm bắt được nguồn gốc và ý nghĩa của những cuộc tranh tài trong các
Thế Vận Hội xưa nay.
Bài viết
của linh mục Ngô Tôn Huấn, Cha Sở giáo xứ St Gregory The Great ở Houston, Texas,
phân biệt giữa Thày Cả và Thày Cúng trên Diễn Đàn Giáo Dân số này mở ra cho
người tín hữu giáo dân thấy được phẩm chất cao quý của người linh mục đích thực
của Chúa Giêsu. Bài viết cũng nói lên sự can đảm và tấm lòng chân thành yêu mến
Giáo Hội của cha Huấn khi thẳng thắn nói lên những vấn đề nhạy cảm trong hàng
ngũ giáo sĩ, trong đó cha là một thành phần.
Sau hết,
nhưng không kém phần quan trọng, đó là bức tâm thư của linh mục Trần Văn Kiệm
gửi Tòa Thánh để nêu những nhận định của cha về cuốn Kinh Thánh do “Nhà Xuất
Bản Thành Phố Hồ Chí Minh” ấn hành và
được phổ biến rộng rãi trong và ngoài nước lâu nay. Kèm theo đó là bài viết của
bà Đặng Thị Kim Dung sau khi đọc bức tâm thư kể trên. Trân trọng mời quý độc giả
theo dõi để cùng suy tư và cầu nguyện.
DIỄN ĐÀN GIÁO DÂN