Trần Duy Nhiên
Nghe qua câu chuyện, thính giả cười rộ. Tuy nhiên, trong cuộc đời chuyện ấy xảy ra rất thường, và thay vì buồn cười thì ngược lại những chuyện như thế lại đáng khóc. Có những trường hợp mà người ta nói với nhau, tưởng rằng nghe nhau và hiểu nhau, nhưng thực sự không ai nghe người khác mà chỉ nói lên điều mình nghĩ, để rồi không ai hiểu ai và đối thoại trở thành hai lời độc thoại; hay nói cách khác: đối thoại của những người điếc. Vì thế, trước khi đề cập vấn đề ‘đòi hỏi và ý nghĩa của đối thoại theo quan điểm của Giáo Hội’, thiết nghĩ nên đồng ý với nhau về định nghĩa của ‘đối thoại’.
Nếu chỉ xét thuần túy trên từ ngữ, thì ‘đối’ có nghĩa là ‘qua lại’ hoặc ‘ngược nhau’ (ví dụ như ‘hát đối’ hay ‘câu đối’), và thoại có nghĩa là ‘nói’. Như vậy, đối thoại có nghĩa là nói qua lại hay nói ngược nhau. Trong tiếng Anh hay tiếng Pháp, chữ ‘dialogue’ xuất phát từ hai từ Hy lạp dia - logein cũng có nghĩa tương tự như hai từ ‘đối thoại’. Như vậy, khi nói đến đối thoại thì phải có sự đối lập, hay ít ra sự khác biệt, nếu không thì người ta sẽ gọi là ‘hội thoại’, ‘chia sẻ’, ‘trao đổi’, ‘đàm đạo’… Mặt khác, đối thoại là đi đến một sự thật, chứ không phải đi đến một sự thỏa hiệp. Nếu nói với nhau để đi đến một sự thoả hiệp sau khi mỗi bên phải nhượng bộ một tí hầu hai bên cùng có lợi, thì người ta gọi là ‘thương lượng’,‘đàm phán’, ‘mặc cả’, chứ không gọi là ‘đối thoại’.
Theo Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học thuộc Ủy Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam, thì đối thoại là nói chuyện qua lại giữa hai hay nhiều người với nhau. Cuốn đại từ điển tiếng Việt do Nguyễn Như Ý chủ biên định nghĩa đối thoại là bàn bạc, thương lượng giữa hai bên hoặc các bên có vấn đề tranh chấp. Như vậy đối thoại là một trong những cách thức giải quyết mâu thuẫn khi nó xảy ra.
Trên đây là quan điểm chung về đối thoại. Tuy nhiên theo quan điểm của giáo hội, đối thoại không phải là một cách giải quyết mâu thuẫn, mà là chia sẻ một quà tặng. Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu (EA=Ecclesia in Asia) nêu lên như sau: "Vấn đề lớn đang đặt ra cho Giáo Hội Á Châu hiện nay là làm sao chia sẻ với anh chị em người Á Châu của mình cái mà chúng ta cho là một quà tặng bao gồm hết mọi quà tặng, tức Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô" (GA 19). Theo quan điểm này, thì định nghĩa của tiến sĩ tâm lý Norman Wright có vẻ gần gũi hơn đối với chúng ta. Ông định nghĩa đối thoại là “tiến trình chia sẻ chính mình với người khác, bằng lời nói, cử chỉ và thái độ, với mục đích để người đó có thể tiếp nhận và hiểu rõ những điều ta muốn chia sẻ.” Nói cách đơn giản hơn, đối thoại là dùng lời nói, cử chỉ, bộ điệu để chia sẻ cảm nghĩ của ta với người khác thế nào để người đó có thể hiểu được điều ta muốn nói.
Điều Giáo Hội muốn chia sẻ chỉ vẻn vẹn là một Tin Mừng: ấy là Thiên Chúa Ba Ngôi yêu thương chúng ta bằng một tình yêu cứu độ, và thể hiện tình yêu ấy qua Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ Duy Nhất. Trong chiều hướng đó, ngày 5/2/1986, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chia sẻ như sau với những vị lãnh đạo các tôn giáo ngoài Kitô tại Madras, Ấn Độ: "Qua đối thoại, chúng ta để cho Thiên Chúa hiện diện giữa chúng ta; vì chúng ta mở lòng ra đối thoại với nhau thế nào thì chúng ta cũng mởi lòng ra với Thiên Chúa như vậy"
Đức Gioan Phaolô II nói lên trong Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu (EA = Ecclesia in Asia): “Thời gian họp Công Đồng Vaticanô II, Vị Tiền Nhiệm của tôi là Đức Phaolô VI, trong Thông Điệp Ecclesiam Suam, đã tuyên bố rằng: vấn đề liên hệ giữa Giáo Hội và thế giới hiện đại, là một trong những vấn đề quan trọng nhất của thời đại chúng ta. Ngài viết rằng "sự hiện hữu của nó và sự cấp bách của nó, như thể tạo nên một gánh nặng trên tâm hồn chúng ta, tạo ra một sự khuyến khích, một ơn gọi". Kể từ ngày Công Đồng, Giáo Hội luôn chứng tỏ mình muốn theo đuổi liên hệ đó trong tinh thần đối thoại" (EA 31).
Đòi hỏi của đối thoại vừa là một gánh nặng, vừa là một sự khuyến khích và một ơn gọi. Hơn nữa, đó là một bổn phận chứ không phải là một gợi ý, thích thì làm không thì thôi. Mặt khác, bổn phận này là của cả Hội Thánh nghĩa là của từng người không miễn trừ một ai, dù thuộc thành phần nào.
Tông Huấn Sứ Vụ Đấng Cứu Độ (RM = Redemptoris Missio) nhấn mạnh rằng : "Mỗi thành viên và tất cả cộng đồng Kitô hữu được mời gọi để tham gia đối thoại, dù không luôn luôn ở cùng một trình độ hoặc cùng một phương thức. Sự đóng góp của họ thực sự cần thiết trong lãnh vực này, bởi vì họ có thể cải thiện các mối quan hệ giữa các tín đồ của các tôn giáo khác nhau, qua gương sáng của họ trong những hoàn cảnh họ sống và trong những hoạt động của họ. Một số người trong họ cũng có thể đóng góp qua việc tìm tòi nghiên cứu" (RM 57). Và Tông Huấn GHAC khẳng định "Tiếp xúc, đối thoại và hợp tác với những người theo các tôn giáo khác, là một trách nhiệm mà Cộng Đồng Vatican II trao lại cho toàn thể Giáo Hội như là một bổn phận và một thách đố" (EA. 31).
Hơn thế nữa, đối thoại là một bổn phận thiết yếu làm nền tảng cho mọi tác vụ khác, như lời công bố của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC), trong kỳ họp khoáng đại năm 2000 tại Samphran, Thái Lan: "Đại kết và đối thoại đã trở thành điều thiết yếu để ta thực hiện bất cứ tác vụ nào".
Điều thiết yếu này xuất phát từ ý nghĩa của đối thoại. Như đã nói trên, sự hiệp thông trong Tình Yêu của Ba Ngôi là nền tảng cho sự hiệp thông và đối thoại của dân Chúa, đồng thời Ba Ngôi cũng là cứu cánh và là ‘tấm gương vô cùng nổi bật’ cho hiệp thông và đối thoại, như là Đức Thánh Cha, trong Tông Huấn GHAC: "Sự hiệp thông và đối thoại là hai phương diện thiết yếu của sứ mạng Giáo Hội, sứ mạng đó có một tấm gương vô cùng nổi bật trong mầu nhiệm Ba Ngôi, vì từ Ba Ngôi phát sinh mọi sứ mạng và mọi sứ mạng phải hướng tới Ba Ngôi" (EA. 31).
Qua Mặc Khải, Giáo hội tìm ra ý nghĩa của đối thoại như lời công bố của Đức Phaolô VI trong thông điệp Giáo Hội của Người (ES = Ecclesiam suam). "Mặc khải là mối liên hệ siêu nhiên mà chính Thiên Chúa đã chọn để giao tiếp với con người. Mặc khải ấy có thể được giới thiệu qua đối thoại, qua Lời mà Thiên Chúa nói trong mầu nhiệm Nhập Thể và rồi trong Tin Mừng ... Lịch sử cứu độ là bản tường thuật cuộc đối thoại khác biệt và lâu dài này. Nó xuất phát từ Thiên Chúa và Ngài sáng tạo ra một cuộc đàm thoại độc đáo và tuyệt diệu với con người" (ES 41).
Tóm lại đối thoại là hoa trái của tình yêu Thiên Chúa mà con người được lãnh nhận (x. EA 24). Đối thoại là hành vi biểu lộ tình thương của Thiên Chúa đối với con người. Con người được chia sẻ tình yêu đó của Ba Ngôi Thiên Chúa. Tình yêu cũng là đòi hỏi nền tảng của Đức Kitô và là động lực của sứ vụ, là "tiêu chuẩn duy nhất để phán đoán điều gì phải làm và điều gì không được làm, điều gì phải thay đổi và điều gì không được thay đổi" (RM 60). Nói cách khác, tình yêu là nền tảng của đối thoại và đem đến ý nghĩa cho đối thoại của Kitô giáo.
Vì xác định rằng đối thoại là chia sẻ một món quà tuyệt đối của Thiên Chúa dành mọi người trên thế gian, không trừ một ai, nên đối thoại hẳn phải hướng đến mọi thành phần trên địa cầu. Điều này được thể hiện qua những dòng đầu tiên của Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng (GS = Gaudium et Spes): “Nỗi vui mừng và niềm hy vọng, những buồn tủi và lo âu của mọi người trong thời đại này, đặc biệt của những người nghèo và những người khốn khổ, cũng là nỗi vui mừng và niềm hy vọng, những buồn tủi và lo âu của những người theo Chúa Kitô. Quả thực, không có gì thực sự thuộc về con người mà lại không vang dội trong trái tim của họ” (GS 1)
Phải công nhận rằng qua một lịch sử dài, Giáo Hội ít nhấn mạnh đến đối thoại mà tập trung vào việc dạy dỗ. Hình ảnh duy nhất nổi bật qua dòng thời gian là một Giáo Hội Mẹ và Thầy (Mater et Magister), và vì thế, Giáo Hội quan tâm đến việc giáo huấn (Ecclesia docens) hơn là lắng nghe và đối thoại (Ecclesia discens). Mãi đến công đồng Vatican II thì Giáo Hội mới chính thức đối thoại với những người khác mình, qua văn kiện Ánh Sáng Muôn Dân và Phát Triển Các Dân Tộc (Lumen Gentium và Populorum Progressio). Những thập niên kế tiếp, dần dần xuất hiện các thông điệp làm rõ nét tinh thần đối thoại của Giáo Hội, như Đệ Bách Chu Niên (Centesimus annus) hay Thời Đại Chúng Ta (Nostra aetate); và đối với người Việt Nam, tông huấn Giáo Hội Tại Á Châu (Ecclesia in Asia). Tuy nhiên, văn kiện rõ nét nhất hẳn là văn kiện Đối Thoại và Rao Truyền (Dialogue and Proclamation) của Hội Đồng Giáo Hoàng về đối thoại liên tôn, được công bố 25 năm sau Nostra Aetate. Như thế, qua dòng lịch sử, Giáo Hội đi từ thái độ loại trừ những người không theo đúng con đường mà Thiên Chúa mặc khải cho mình để dần dần cởi mở đối với những giáo hội Kitô giáo khác, và hiện nay Giáo Hội đã công nhận và cổ võ cho đối thoại với những tôn giáo ngoài Kitô giáo. Đây là một bước tiến đáng mừng, nhưng đồng thời cũng làm ta suy nghĩ. Tín hữu công giáo chưa kịp thay đổi não trạng để đi vào đối thoại liên tôn thì Tòa Thánh công bố thông điệp Sứ Vụ Chúa Cứu Thế (Redemptoris Missio) và nhất là văn kiện Chúa Giêsu (Dominus Iesus) để kiên quyết khẳng định ‘Chúa Giêsu là đấng cứu độ duy nhất’. Khẳng định này được nhiều người xem như lời xác định vị trí số 1 của công giáo so với các tôn giáo khác, và khi không có sự bình đẳng thì cũng không thể nào có đối thoại. Mặt khác, ngoài việc đối thoại với các tôn giáo bạn, không thấy Giáo Hội nói lên tiếng nói chính thức về đối thoại trong những môi trường trần thế. Thực ra, ta có thể tìm thấy lác đác đó đây những ý kiến của Giáo Hội về đối thoại trong môi trường xã hội và chính trị. Thông điệp Đệ Bách Chu Niên xác định rằng “những hình thức dân chủ mới hình thành đem lại hy vọng về một sự đổi thay trong cơ cấu chính trị và xã hội mong manh nặng trĩu với hàng loạt những bất công và bất mãn cũng như với một nền kinh tế tàn phá nặng nề và những cuộc tranh chấp xã hội nghiêm trọng.” (CA 22a) Do đó người công giáo có trách nhiệm góp phần mình trong môi trường chính trị để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn, nhưng bằng con đường đối thoại chứ không phải chiến tranh: “Đây là “những vấn đề mà những dân tộc này đang phải đối phó chỉ có thể giải quyết được qua sự đối thoại và tình liên đới hơn là bằng một cuộc chiến đấu để tiêu diệt kẻ thù bằng chiến tranh”. (CA 22b). Ta đọc được lập trướng này rõ ràng hơn nữa ở đoạn kế tiếp: “Trong khi chủ nghĩa Mác-xít cho rằng chỉ có cách đẩy các mâu thuẫn xã hội cho đến cực điểm mới có thể giải quyết chúng trong những cuộc đối đầu bạo động, thì những cuộc chiến đấu đưa tới sự sụp đổ của chủ nghĩa Mác-xít kiên trì sử dụng đường lối thương lượng, đối thoại và làm chứng cho chân lý, bằng cách kêu gọi lương tri của đối phương và tìm cách khơi dậy nơi họ cảm thức về phẩm giá con người.”(CA 23).
Ngoài ra, giáo dân Việt Nam đặc biệt nhớ đến sứ điệp mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gửi hàng giáo phẩm và người công giáo Việt Nam, ngày 22 tháng 01 năm 2002. Khi hàng giáo phẩm Việt Nam thực hiện cuộc thăm viếng Ad Limina tại Vatican, Đức Thánh Cha nói không úp mở: “Như công đồng Vatican từng nhắc nhở: Do bởi phần vụ và thẩm quyền của mình, Giáo Hội hòa mình trong cộng đồng chính trị dưới mọi hình thức và không liên kết với bất cứ với bất cứ một thể chế chính trị nào”. Đồng thời Ngài cũng kêu gọi tín hữu tham gia vào chính trị theo đường lối của Giáo Hội, nghĩa là theo con đường đối thoại: “Trong tinh thần đối thoại và hợp tác huynh đệ, qua các thành viên của mình, Giáo Hội ao ước tham gia tốt đẹp vào đời sống quốc gia nhằm phục vụ toàn dân và sự đoàn kết xã hội.”
Vâng, Giáo Hội có lên tiếng để khuyến khích đối thoại trong những môi trường xã hội và chính trị, nhưng dù sao thì cũng chỉ là đường lối chung chung, hơn là một kim chỉ nam có thể áp dụng cho từng môi trường cụ thể. Đấy là chưa kể những môi trường mà Giáo Hội không đề cập đến. Sau đây là một số môi trường mà Kitô hữu cần phải đối thoại.
- Đối thoại trong gia đình. Làm sao vợ chồng đối thoại với nhau, khi mà người nữ vừa mới hơi bình đẳng với người nam sau khi bị áp bức qua một quá trình lịch sử thật dài, thì người nam đã cảm thấy mình bị áp bức do cái quan niệm trọng nam khinh nữ ăn sâu vào tâm khảm mình? Làm sao cha mẹ và con cái đối thoại với nhau, khi mà cha mẹ thấy con cái vuột khỏi tầm tay mình để lao vào một thế giới lắm nhiễu nhương, trong khi đó con cái cảm thấy mình bị trói buộc vào những đạo lý rất xa lạ với môi trường sống hằng ngày của mình?
- Đối thoại trong cộng đồng Kitô hữu. Làm sao đối thoại với những người công giáo Việt Nam khác bằng cách tôn trọng nét cá biệt của từng người mà vẫn giữ được hiệp nhất để có thể thốt lên một tiếng nói chung? Làm sao giáo sĩ và giáo dân đối thoại với nhau để giữ vững cơ chế Giáo Hội quân chủ mà Chúa Kitô là vua, trong tinh thần dân chủ của những người con Thiên Chúa bình đẳng với nhau?
- Đối thoại với cộng đồng cư dân. Làm sao đối thoại với những người cư ngụ cùng địa bàn với mình, những người không công giáo, thậm chí không tôn giáo? Đối với người ở hải ngoại, làm sao đối thoại với các tín hữu bản xứ nói riêng và cộng đồng bản xứ nói chung để có thể chia sẻ niềm tự hào về quê hương mới của mình đồng thời cho người địa phương thấy những nét độc đáo của quê hương thứ nhất của mình? Đối với người ở trong nước, trước trào lưu toàn cầu hóa, làm sao đối thoại với người nước ngoài để tiếp thu những tinh hoa của họ đồng thời yêu cầu họ tôn trọng những truyền thống đáng quý của mình?
- Đối thoại với cộng đồng chính trị. Làm sao đối thoại với một chính quyền tự do và dân chủ để cho những giá trị đạo đức tự nhiên được đặt cao hơn những quyền lợi của những ai dùng lá phiếu mình mà đòi hỏi được quyền tự do sống trái với đạo đức? Làm sao đối thoại với một nhà nước cực quyền và độc đoán để cho mọi người sống đúng với phẩm giá con người? Làm sao…? Và còn bao nhiêu câu hỏi ‘làm sao’ khác?
Người giáo dân không thể chờ đợi Giáo Hội trả lời những câu ấy thay cho mình trong những trường hợp cụ thể. Giáo hội chỉ đưa ra đường hướng chung cho mọi người, trong khi đó mỗi người đều ở trong một tình huống cá biệt. Tuy nhiên, muốn tìm ra một câu trả lời thỏa đáng thì chúng ta cần có một thái độ thích hợp để tiến hành công cuộc đối thoại ở mọi bình diện. Nhưng thế nào là một thái độ thích hợp?
Đối thoại là một tiến trình gồm có ba phần: nói, nghe và thông cảm. Ba phần này liên quan đến nhau và hỗ trợ cho nhau. Thông thường chúng ta chỉ muốn nói khi có người lắng nghe. Nếu người đó nghe, hiểu và thông cảm, thì ta mới thật sự đối thoại. Nếu có người sẵn sàng nghe mà ta không muốn nói thì cũng không có đối thoại, hoặc nếu có người nói, có người nghe mà không hiểu và không thông cảm thì cũng chưa thể gọi đó là đối thoại.
Như thế, muốn đối thoại thì hai bên phải hiểu tiếng nói của nhau. Một người Việt không biết tiếng Anh, và một người Mỹ không biết tiếng Việt không thể nào có thể đối thoại với nhau được. Điều này thật là rõ. Điều ít rõ hơn, ấy là nhiều khi ta tưởng rằng mình nói cùng ngôn ngữ nhưng thật sự chúng ta nói hai ngôn ngữ hoàn toàn khác nhau. Ví dụ từ ngữ ‘Thiên Chúa’ hay ‘Đức Phật’ gợi lên những hình ảnh rất khác nhau trong ý nghĩ và trong tâm tình của một kitô hữu và một phật tử, thậm chí nội dung của hai từ ấy cũng khác nhau giữa hai người công giáo hay giữa hai người phật giáo. Vì vậy thái độ đầu tiên trong đối thoại là phải biết lắng nghe để chắc chắn rằng những từ ngữ ta nghe được gợi lên trong tim óc chúng ta hình ảnh giống với hình ảnh trong tim óc người nói.
Đối thoại là để đi đến một sự thật có thể khác hơn là mình tưởng. Vì thế muốn có đối thoại cần phải sẵn sàng để thay đổi cách nhìn hầu đi đến một sự thật cao hơn. Ai không chấp nhận thay đổi, người ấy không thể nào đối thoại, mà chỉ dùng đối thoại như một chiên thuật để áp đặt ý kiến của chính mình. Tông Huấn Ecclesia in Asia đã viết: “Đối thoại không phải chỉ là một chiến thuật để sống chung hòa bình; nhưng là một phần thiết yếu trong sứ mạng Giáo Hội, vì nó xuất phát từ chính sự đối thoại yêu thương của Chúa Cha với nhân loại thông qua Chúa Con trong quyền năng Chúa Thánh Thần" (EA 29). Khổ nỗi, có nhiều người nhất định ‘giữ vững lập trường’ và đối thoại với quyết tâm thay đổi người khác bằng mọi giá mà không hề nghĩ rằng mình cần thay đổi cái nhìn của mình. Những người này có thể nói: “Tôi sẵn sàng đối thoại, nhưng tôi biết nó rõ lắm, nó lưu manh gian ác, không biết phục thiện, tôi có đầy kinh nghiệm rồi! Thứ ấy thì phải dập cho mềm ra mới biết được phải trái!”
Đối thoại không phải chỉ là nói qua lại, nhưng còn nhiều hình thức khác. Văn kiện Toà thánh Đối Thoại và Rao Truyền nêu lên bốn hình thức: đối thoại bằng đời sống, đối thoại bằng hành động, đối thoại bằng chia sẻ kinh nghiệm tâm linh, và cuối cùng, đối thoại bằng trao đổi thần học. Trong bốn hình thức này chỉ có đối thoại thần học là dùng lời nói hay chữ viết, ba hình thức kia liên quan đến đời sống chứng nhân. Ở vị trí giáo dân, đối thoại thần học vượt ngoài tầm tay của đại đa số chúng ta và hầu như chỉ dành cho giáo sĩ. May thay, đời sống chứng nhân thì vừa tầm tay của mọi Kitô hữu. Đức Thánh Cha khẳng định điều này trong ngày Thanh Niên thế giới 1991: “Thế giới cần trên hết là chứng nhân khả tín”.
Xét cho cùng, đối thoại theo quan điểm Giáo Hội là thuyết phục người khác rằng Thiên Chúa là Tình Yêu, và chúng ta chỉ có thể làm chứng cho Tình Yêu ấy khi trái tim chúng ta có nhiều tình yêu hơn là miệng lưỡi chúng ta có nhiều lý lẽ. Đó cũng là điều mà Đức Thánh Cha gửi gắm cho tín hữu công giáo Việt Nam qua sứ điệp chào mừng hàng giáo phẩm năm 2002: “Để chu toàn không ngừng sứ mạng yêu thương và phục vụ, Giáo Hội công giáo cũng được mời gọi chia sẻ niềm hy vọng của mình bằng đường lối đối thoại, một lối đối thoại phát sinh và triển nở trong cuộc đối thoại cứu độ do tình yêu thương của Cha đối với nhân loại, nhờ Chúa Con và trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần.
Một lối đối thoại chân thành và xây dựng giữa tất cả các nhân tố của xã hội dân sự là đường lối duy nhất mang lại niềm hy vọng mới cho toàn dân Việt Nam.” ·