THƯ TÒA SOẠN

 

Quý độc giả đang có trên tay nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân số Tân Niên Mậu Tý.

Trong những ngày trước và sau Tết Nguyên Đán vừa qua, có hai sự kiện đáng chú ý. Sự kiện thứ nhất mang tính nội bộ. Đó là sự ra đi vĩnh trên trên cõi đời tạm gửi này của người chủ bút sáng lập nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân: anh Alphongse Hoàng Kim Quý, tức nhà văn, nhà báo, nhà soạn nhạc Hoàng Quý. Và sự kiện thứ hai là âm vang lá thư của Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh gửi đức cha Ngô Quang Kiệt, tổng giám mục Hànội liên quan tới cao trào cầu nguyện của giáo dân tổng giáo phận khởi từ nỗ lực đòi lại tòa Khâm Sứ cũ vào lúc đang có triển vọng lan rộng trên khắp các giáo phận với lời kêu gọi đòi công lý và nhân quyền dội lên từ Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Sàigòn.

 

Vì anh Alphongse Hoàng Quý là người có công khai sinh nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân và cũng là chủ bút tiên khởi của tờ báo, nên sau khi anh được Chúa gọi ra khỏi thế gian, tang gia đã chính thức mời gọi Nhóm Chủ Trương đứng ra lo chung sự cho anh. Chính ở vai trò này, anh em đã nhận ra những dấu chỉ đáng mừng và cũng rất đáng khích lệ cho những hy sinh và nỗ lực không ngừng nghỉ của mỗi người chúng ta trong bảy năm qua khi cùng nắm tay nhau góp công, góp của, góp thiện chí vun quén cho tờ báo, bất chấp những chông gai, trở ngại từ đâu tới.

Quả thật trong suốt cuộc đời 68 năm tại thế của nguyên chủ bút sáng lập Hoàng Quý, anh đã mải mê “lên đường” chấp nhận mọi đau thương và nước mắt. Nhưng, trong chuyến “trở về” của anh lúc 11 giờ 12 phút trưa Thứ Hai 28-01-08, qua những chứng từ của mọi người có mặt bên anh -ở giường bệnh, ở Nhà Quàn, trong Thánh Lễ an táng, tại nghĩa trang-, vợ con anh, bằng hữu anh đã thấy bừng lên những nét cười rạng rỡ nở rộ khắp nơi.

Quả đúng như lời Thánh Vịnh: “Người đi trong nước mắt, trở về giữa vui cười”

Không phải tất cả, nhưng tuyệt đại đa số, bao gồm những người không cùng một hướng nhìn với anh, sau khi anh nằm xuống đều nhận ra ở nơi anh một tấm lòng, một thiện chí thật lớn lao phát xuất từ trái tim vĩ đại mệnh danh “Hồn Tông Đồ” nơi anh.

Nội dung lá thư của một nhóm bạn từ Sàigòn, gồm ba linh mục và hai giáo dân, viết cho chị Hoàng Quý hai ngày trước khi anh được Chúa gọi về đã nói lên điều ấy. Và đây là một trích đoạn: “…tất cả chúng tôi đều rất quý mến thiện ý và sự hăng say của anh khi anh dâng hiến những tháng ngày cuối đời mình để gửi gắm một sứ điệp cho Chủ Chăn và cho cộng đồng dân Chúa. Sứ điệp ấy có người hăm hở đón nhận, có người dè dặt, thậm chí có người phản đối, nhưng tấm lòng của anh thì chúng tôi biết là chân tình. Những anh em nào đã gặp gỡ và trao đổi với anh ngoài đời đều nhận ra điều đó. Và chắc chắn Thiên Chúa đã nhìn rõ lòng anh”.

Những lời chia sẻ của các giám mục, linh mục ở Mỹ cũng như ở Việt Nam, nhất là những bộc lộ tâm tình của cha Nguyễn Thái trong bài giảng thuyết trước cả ngàn người lương giáo tham dự Thánh Lễ an táng và của bạn bè, đại diện các tổ chức, các đoàn thể trong cộng đồng cũng nói lên điều ấy.

Những hạt giống do anh vui trồng đã và đang tiếp tục trổ sinh những hoa quả tốt lành, trái hẳn với những lời chúc dữ vọng lên từ một bài viết của ai đó! Mời độc giả đọc bài “Hình Ảnh Người Tín Hữu Giáo Dân HOÀNG KIM QUÝ * Dưới nhãn quan từ ái của các Giám Mục, Linh Mục, Tín Hữu * Và cái nhìn thành kiến, vô cảm của “chủ nhân” VietCatholic”

 

Nhìn về Quê hương và Giáo hội, dư luận đang bàn bạc sôi nổi về nội dung và hệ quả của lá thư do Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh gửi đức cha Ngô Quang Kiệt, TGM Hànội và tiếp theo là Thư luân lưu của đức cha Kiệt gửi các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân thuộc quyền, cách riêng đám đông những tín hữu (mà có lúc lên tới năm, bảy ngàn người), từng nhiệt thành, hy sinh chấp nhận mưa giông, gió lạnh, kiên trì tham gia những buổi cầu nguyện đòi tài sản, đất đại của Giáo hội tại tòa Khâm Sứ cũ từ trước lễ Giáng Sinh năm 2007.

Trước hết, đứng trên quan điểm của Vatican ở cương vị một Giáo Hội hoàn vũ mà nhu cầu truyền giáo đòi buộc bằng mọi cách phải duy trì sự hiện diện ở “khắp cùng trái đất”, kể cả những chế độ thù nghịch với niềm tin tôn giáo như những chế độ vô thần, trong số có Việt Nam và Trung Hoa Lục Địa, người ta có thể hiểu được phần nào động thái kể trên của Tòa thánh. Nó cũng có thể giải thích được qua tinh thần trách nhiệm trước viễn ảnh đưa tới những cuộc bạo động có khả năng gây nên thảm cảnh xương rơi máu chảy cho đám đông dân lành vô tội. Đấy là tinh thần hòa bình, bất bạo động xuất phát từ lòng yêu thương, luôn tôn trọng sinh mạng con người, vì “CON NGƯỒI” theo quan điểm của cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vốn được coi là “đường đi của Giáo Hội, là đích điểm phục vụ hàng đầu của Hội Thánh Công Giáo”. Tinh thần này gói ghém trong trích đoạn “…những cuộc tụ họp như vậy cứ tiếp diễn không khỏi gây ra những lo âu, bởi vì, như đã thường xảy ra trong những trường hợp tương tự, có thể có nguy hiểm thực sự là người ta sẽ không kiểm soát được tình thế, khiến nó có thể biến thành biểu tình bạo ngôn hay bạo lực”.

Tuy nhiên, với chủ trương của Vatican là không can thiệp vào nội bộ các Giáo hội địa phương, nhất là khi những Giáo hội này đã trưởng thành như Giáo hội Việt Nam, người ta không tin rằng lá thứ của Quốc Vụ Khanh Tòa thánh có giá trị như một mệnh lệnh buộc tòa TGM Hànội và nói chung HĐGM và giáo dân Việt Nam phải tối mặt tuân theo. Như thế, phải chăng sự kiện những Thánh Lễ, tiếp theo là những buổi tuần hành với Thánh Giá nến cao và sự hiện diện của đông đảo linh mục và hàng nhiều ngàn giáo dân trong khuôn viên nhà thờ Thái Hà để cầu nguyện trong ba ngày Tết Nguyên Đán Mậu Tý vừa qua, đã nói lên ý thực trưởng thành của tập thể giáo dân Việt Nam hôm nay.

Trong tinh thần ấy, cùng với 7 triệu đồng bào Công giáo trong nước và tập thể đồng bào, đồng đạo tại hải ngoại, DĐGD vẫn tiếp tục khơi lên niềm hy vọng. Mời độc giả theo dõi bài “Viễn ảnh về một cuộc ‘Cách Mạng Bằng lời Cầu Nguyện’ tại VN” cùng với những hình ảnh mớI nhất tại giáo xứ Thái Hà trên DĐ số này.

 

Khởi từ số Tân Niên Mậu Tý, nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân có thêm một mục mới. Đó là mục tìm hiểu Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo do Huynhquảng phụ trách, đồng thời đăng liên tiếp nhiều kỳ hai tài liệu quan trọng: (1)Tông Thư Spe Salvi của ĐTC Biển Đức do Phạm Hồng Lam chuyển ngữ từ bản tiếng Đức; (2) Đào luyện Lương Tâm để làm Công dân Chân Chính, do HĐGM Hoa Kỳ vừa biểu quyết nhân mùa bầu cử tại Mỹ tháng 11 năm nay.

Ước mong mục mới và hai tài liệu này sẽ khơi lên một cao trào học hỏi trong các cộng đồng Công Giáo Việt Nam hải ngoại về những vấn đề thiết thân trong Giáo hội hiện nay.

 

DIỄN ĐÀN GIÁO DÂN