THƯ TÒA SOẠN

 

Sau DĐGD số 69 phát hành tháng 8-2007, vì những lý do bất khả kháng, đến tay độc giả trễ mất một tuần, chúng tôi đang cố gắng để từ nay tờ báo sẽ có mặt đúng hạn kỳ. Trong những trường hợp trễ nải không thể tránh được như vậy, chúng tôi chỉ còn biết xin quí ân nhân, độc giả và quí thân chủ quảng cáo thông cảm. Nguyên do chính chỉ vì phải đáp ứng những vấn đề thời sự quan trọng xảy ra vào phút chót khiến Ban Biên Tập phải trì hoãn việc đưa đi nhà in.

 

Chủ đề số này hướng vào lời khuyên phải liên lỉ cầu nguyện của đức hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn TGM/TGP Sàigòn xuyên qua những Lời Chủ Chăn tháng 9 và tháng 10-2007 của ngài vừa được đưa lên NET. Do đó cùng với ý nghĩa gửi gấm trên trang bìa Diễn Đàn số 70, trân trọng mời quí độc giả theo dõi những bài viết liên hệ, đặc biệt là cùng chúng tôi suy tư và cầu nguyện qua chương sách viết về Kinh Lạy Cha của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, bản đich của Phạm Hồng Lam được đăng liên tiếp từ số 69, số này và số tới.

Là tiếng nói của người tín hữu giáo dân, tờ báo cũng khiêm tốn đóng góp một vài nhận định về hai văn kiện kể trên cùng với lá thư gửi linh mục Nguyễn Thái Hợp và Câu Lạc Bộ Nguyễn Văn Bình của đức hồng y đề ngày 22-7 vừa qua. Những nhận định và đóng góp ý kiến được trình bày qua những bài viết của các tác giả Mặc Giáo, Đỗ Thái Nhiên và Trần Phong Vũ. Tất cả không ngoài mục tiêu đáp lại lời mời gọi đối thoại giữa chủ chăn và giáo dân nhằm cùng nhau góp phần hữu hiệu vào nỗ lực vun bồi và xây dựng Giáo Hội theo những đòi buộc của Tin Mừng, từng được Thánh Công Đồng Chung Vaticanô đề ra từ hơn 40 năm qua.

Có hai ưu điểm gói ghém trong ba văn kiện của người cầm đầu TGP Sàigòn.

Thứ nhất: trong lá thư gửi linh mục Nguyễn Thái Hợp, người trực tiếp điều hành CLB/NVB, ĐHY/TGM đã công khai nêu lên những con số cụ thể cho thấy những hiện tượng suy thoái trầm trọng về giáo dục, y tế, xã hội trên đất nước ta kể từ tháng 4 năm 1975, khi giới hữu quyền Giáo Hội ở miền Nam thời ấy quyết định trao nhượng quyền sử dụng hệ thống trường ốc, nhà thương và các viện cô nhi vốn là tài sản của Giáo Hội cho nhà nước. Từ đấy ngài đề nghị cha Hợp và Câu Lạc Bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình nghiên cứu để “đề xuất bài học thực hành cho mọi thành phần tôn giáo và xã hội biết cách nào góp phần vừa xây dựng đất nước vừa lành mạnh hóa đời sống dân tộc”.

Ưu điểm thứ hai nằm ngay trong tiêu đề những Lời Chủ Chăn tháng 9 và tháng 10-2007 của ĐHY, trong đó ngài đề cập hai bổn phận thiết yếu của người tín hữu Công Giáo là Cầu Nguyện và Học Hỏi những giáo huấn gói ghém trong Học Thuyết Xã Hội Công Giáo ngõ hầu có thể góp phần hữu hiệu vào nỗ lực đấu tranh cho Tư Do và Nhân Quyền.

Trong mục Viết Từ Canada trên DĐGD số 70, ngoài những nhận định và góp ý với ĐHY Mẫn về nội dung ba văn kiện kể trên của ngài, nhá báo Mặc Giao đã nói tới tâm trạng tiếc thương và cảm phục của công luận trong và ngoài Giáo Hội Công Giáo trước sự ra đi của ĐHY Jean Marie Lustiger, nguyên TGM/TGP Paris, Pháp ngày 05-8 vừa qua. Trong bài viết trên tờ tuần báo L’Express số 2972 từ ngày 09 đến 15-8-2007, ký giả Claire Chartier nhận định “…Dưới mắt quần chúng, chỉ mình ngài đã đủ là hiện thân cho Giáo Hội Công Giáo” Mời quí độc giả theo dõi trọn bài viết để thấy được con người, phẩm cách cùng những góp phần to lớn cho Giáo Hội và Xã hội của cố HY Lustiger trong suốt cuộc đời của ngài.

Mục Gương Sống Đạo Giữa đời do hai tác giả Lê Thiên và Lê Tinh Thông phụ trách trên Diễn Đàn Giáo Dân số này đề cập trường hợp tự  chọn cái chết của đức cha John Joseph, Giám Mục Pakistan ngày 06-5-1998 ở tiền đình tòa án Sahiwal,nơi một thanh niên CG địa phương bị tuyên án tử hình chẵn 10 ngày trước đó vì đã can đảm chỉ trích chủ trương sắt máu, kỳ thị tôn giáo của đạo Hồi. Chúng ta cùng đọc bài này để hiểu được vì sao ngày nay, Đức cha Joseph Coutts, đương kim Giám mục Giáo phận Faisalabad quả quyết rằng Đức Cha John Joseph “luôn luôn hiến thân chống lại mọi bách hại nhằm vào đoàn chiên của mình. Ngài thể hiện việc hiến dâng ấy một cách đầy ý thức và tinh thần phụng sự. Một sự dấn thân đầy niềm tin và tinh thần trách nhiệm. Nhân cách trỗi vượt của ngài là mẫu gương sáng chói để chúng ta kiên trì đấu tranh cho hòa bình và công lý”. Còn Cha Aftab James, Giám đốc Văn phòng Giáo phận thuộc Ủy ban Toàn quốc về Đối thoại Liên tôn và Hợp nhất Kitô giáo, thì nói: “Đức Cha John Joseph là tiếng nói của những người dân Pakistan bị phân biệt đối xử. Ngài đánh vỡ cái nền văn hóa thinh lặng (he broke the culture of silence) và ngài đã lên tiếng chống lại giới cực đoan trong nước khi mà chẳng có ai dám lên tiếng như vậy. Chúng ta đừng hạ thấp cuộc đấu tranh vĩ đại của ngài bằng cách chỉ mở những hội thảo và truy điệu hàng năm mà thôi. Trái lại, chúng ta hãy đưa tinh thần đấu tranh của ngài thâm nhập vào trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta”.

DIỄN ĐÀN GIÁO DÂN