THƯ ĐỘC GIẢ DIỄN ĐÀN GIÁO DÂN SỐ 54 - THÁNG 05-2006

Ông Nguyễn Văn Trang, Edmonton,Canada:
        “…Tôi là Nguyễn Văn Trang, độc giả thường xuyên trong 3 năm qua. Tôi rất sung sướng khi nhận được tờ báo mỗi tháng. Tôi đọc hết mục này qua mục khác, không bỏ sót một chữ nào. Tờ báo của quý vị đã giúp cho chúng tôi hiểu biết thêm nhiều tin tức đạo, đời mà từ xưa đến nay tôi chưa từng thấy trên các báo Công giáo. Kính chúc quý vị gặt hái được nhiều ân sủng trong Mùa Chay Thánh này …”
Chân thành cảm ơn Ông đã có lời khích lệ và quảng đại gởi tài trợ nâng đỡ DĐGD từ 3 năm qua mặc dù có nhiều khó khăn trong lúc tuổi già. Xin Ông tiếp tục cầu nguyện và góp ý kiến xây dựng để tờ báo của chúng ta mỗi ngày thực sự đáp ứng được yêu cầu và nguyện vọng của quý độc giả cũng như mong muốn của Giáo Hội trong lãnh vực truyền thông.
Kính chúc Ông dồi dào sức khoẻ, niềm vui và nhiều ơn Chúa trong Mùa Phục Sinh này.

Ông Lý Nguyên, Nam California
        Kính thưa tòa báo. Những gì tôi muốn nói thì trong “Thư TS” của quý báo cũng như các bài viết của nhiều tác giả đã nói hết rồi. Nhưng tôi vẫn không dằn được ý nghỉ là: Những điều trông thấy trong GHCGVN... mà đau đớn lòng. Đây là lúc GHCGVN hãy can đảm đứng lên đòi CS phải trả lại quyền làm người cho dân tộc VN, quyền tự do tôn giáo cũng như đất đai tài sản cho các Giáo Hội... cụ thể như hỗ trợ cha Hoàng trong cuộc tranh đấu đòi lại cơ sở của dòng Thánh Giuse ở Nha Trang... Xin đừng ngụy biện rằng: GH âm thầm tranh đấu trong khôn ngoan. Theo tôi, khôn ngoan kiểu này thì sẽ có GMQD trong một ngày không xa! Xin hãy tỉnh thức. Xin đừng Sợ Hãi! Hãy noi gương những GM NV Thuận, NK Điền, HV Nghi và các LM Chân Tín, Lý, Giải, Lợi... nếu không thì thật tủi hổ cho con cháu các anh hùng tử đạo VN...
        Xin cám ơn những lời lẽ bộc trực của ông. Những ưu tư trăn trở của ông cũng là của chúng tôi và nhiều bà con đồng đạo khác. Dù sao hiện nay cũng đã có nhiều dấu chỉ cho thấy là GHCG đang chuyển mình. Đọc bản tin về GH số này ông sẽ thấy có hai sự kiện đáng chú ý. Thứ nhất là danh xưng TGP Sàigòn đã được phục hồi trên thực tế qua những văn kiện của GH gần đây. Thứ hai là những kinh sách dùng trong phụng vụ bị san định lại sau 30-4-75 nay đã được thay thế bằng những kinh sách dùng trước đây.
Chúc ông và quí quyến một mùa Phục Sinh nhiều ân sủng.

Bác Phan Ngọc Ẩn, Houston, TX:
        Tôi, nhà tôi các cháu rất vui vì trong hai số 52 và 53, DĐGD đã mở thêm hai mục mới rất hữu ích cho đời sống hôn nhân của người Công Giáo cũng như sắp nhỏ sinh ra ở xứ người. Đó là Trang Báo Dành Cho Giới Trẻ gồm những mẩu chuyện thần thoại rút trong lịch sử, văn hóa Việt song ngữ của giáo sư Trần Văn Điền và Chuyện Gia Đình: Những Hạt Sạn Trong Đời Sống Lứa Đôi của tác giả Bảo-Châu.
        Từ lâu tôi hằng khuyến khích các con, các cháu tôi đọc Diễn Đàn Giáo Dân. Nay có thêm hai mục thiết thực này tôi càng thấy việc làm này thêm ý nghĩa và chắc các con tôi cũng vui lắm. Xin tòa báo chuyển lời chúng tôi cám ơn ban biên tập và hai tác giả. Tôi nghĩ rằng những độc giả hằng quan tâm tới sự bền vững của gia đình, hôn nhân, nhất là còn mong cho con cái khỏi mất gốc sẽ chia sẻ những suy tư thô thiển của tôi.

        Xin Chúa Giêsu Phục Sinh ban cho quí vị nhiều sức khoẻ và nghị lực để có thêm sáng kiến làm cho tờ báo ngày một phong phú và bổ ích hơn.
Cùng với nhóm chủ trương và hai tác giả –Trần Văn Điền và Bảo-Châu-, tôi xin chân thành cám ơn những ý nghĩ tốt lành của Bác dành cho tờ báo chung của chúng ta. Thật ra, ngay sau số 52, một số anh chị em trong nhóm chủ trương DĐGD đã tự nguyện mua báo tặng cho những người con đã có gia đình của mình, không ngoài sự mong mỏi cho con cháu có cơ hội nhận được những lợi ích của hai mục mới mà Bác vừa nói tới trên đây.
        Cùng với Bác, chúng tôi cũng hy vọng quí độc giả sẽ chia sẻ những suy tư này.
Kính chúc Bác và quí quyến nhận được nhiều ân sủng của Chúa trong Mùa Phục Sinh.
Nhân đây chúng tôi mời quí độc giả cho biết ý kiến về hai mục mới trên DĐGD mà Bác Phan Ngọc Ẩn đã đề cập trong thư gửi tòa soạn. Xin đa tạ.

Nhắn tin:
Anh Phạm Ngọc Lan, Vancouver, WA: Chân thành cảm ơn Anh đã chia sẻ nhiều thông tin khích lệ về Giáo Hội cũng như xã hội qua chuyến về thăm Quê Hương và cũng cảm ơn đã gửi cho tài liệu y-học quí giá. Chúng tôi đã chuyển cho Ban Biên Tập để tùy nghi sử dụng hầu giúp ích cho quý độc giả. Chúc Anh và gia đình Mùa Phục Sinh vui tươi, hy vọng và tràn đầy ơn Chúa. Xin tiếp tục đọc và giới thiệu DĐGD với nhiều thân hữu địa phương.

Ông Nguyễn Minh Phúc, Gardena, CA : Cảm ơn Ông đã yểm trợ DĐGD ngay từ số đầu bằng cách đọc và giới thiệu cho nhiều thân nhân và bạn hữu khác cùng đọc. Chúng tôi đã gởi các số báo Ông bị thất lạc, có thể do lỗi bưu điện điạ phương. Cảm ơn Ông đã kịp thời cho biết những thiếu sót để chúng tôi sửa chữa.

Ông Bạch Thanh Long, Cary, NC : Rất cảm ơn Ông đã gởi 6 bài thơ Đạo và Đời mang ý nghĩa giáo dục. Chúng tôi đã chuyển cho Ban Biên Tập để tùy nghi sử dụng. Mong Ông tiếp tục gởi thêm các sáng tác mới và cũng đừng quên cầu nguyện cho DĐGD luon vững bước trong nỗ lực sống sứ mạng truyền thông Công Giáo

Bà Phan Trân, Amelia, OH: Cảm ơn Bà đã mua sách ủng hộ DĐGD. Chúng tôi đã gởi tác phẩm “Giáo Hoàng Gioan Pholô II, Vĩ Nhân Thời Đại” như Bà yêu cầu. Mong Bà giới thiệu cho nhiều thân hữu khác biết cuốn sách nhiều quý hiếm này, một cuốn sách viết về Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.
Hiện số sách xuất bản lần đầu đã hết. Nhân dịp giỗ đầu của Cố giáo Hoàng Gioan Phaolô II, tủ sách Tiếng Quê Hương đã tái bản. Mặc dầu trong ấn bản mới có thêm bài đọc và giới thiệu của linh mục nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên và bài phỏng vấn soạn giả của nhà báo Đinh Quang Anh-Thái cũng như thêm phần Danh Mục (Index) để giúp độc giả dễ tra cứu, nhưng giá sách vẫn như cũ là 40 dollars kể cả cước phí bưu điện gửi trong nội địa Hoa Kỳ.
Quí độc giả nào muốn có sách xin gửi thư hoặc mail về Tòa Soạn DĐGD (địa chỉ nơi trang đầu nguyệt san). Kính chúc Bà sức khoẻ, niềm vui và nhiều ơn Chúa.

Tác-giả Phạm Hồng-Lam trả lời độc-giả Lê Ngọc Cẩn 
Vấn-đề viết y (dài) i (ngắn)

        Toà-soạn DĐGD chuyển tới tôi lời phàn-nàn của bác Cẩn về cách viết chữ i và y của tôi. Trước đây, tôi cũng nghe được tiếng xầm-xì của một hai người về chuyện này. Tôi rất cám-ơn lời bộc-trực của bác Cẩn, vì nhờ đó tôi có dịp nói lên một số suy-nghĩ của mình về lãnh-vực này với độc-giả DĐGD.
        Vấn-đề viết (i) hay (y) đã có qui-tắc khá rõ-ràng ngay từ thời linh-mục Alexandre de Rhodes, khi ông soạn ra cuốn từ-điển tiếng Việt đầu-tiên vào năm 1651. Qui-tắc này sau đó đã không được giám-mục Tabert theo sát (nghĩa là có sự lẫn lộn giữa i và y) trong tử-điển của ông (1838). Năm 1902 có cuộc Hội-nghị Khảo-cứu Viễn-đông, trong đó có một Uỷ-ban cứu-xét việc sửa-đổi chữ quốc-ngữ. Ủy-ban này đã trình lên chính-phủ thuộc-địa một bản đề-nghị để phê-chuẩn, trong đó có một bảng đề-nghị sửa-đổi rất dài về cách viết chữ i và y, tựu-trung họ yêu-cầu trở về với cách viết theo qui-tắc truyền-thống (có từ de Rhodes và được tổng-kết lại như dưới đây). Năm 1931, khi làm Việt Nam Từ Điển, Hội khai trí tiến đức đã triệt-để áp-dụng các qui-tắc đề-nghị đó. Trước 1975, ở miền Nam, một số nhà nghiên-cứu đã bỏ ra nhiều công sức nghiên-cứu và hô-hào giữ qui-luật (trong khi đó ở miền Bắc chẳng ai quan-tâm). Năm 1980 và 1984 chính-quyền cộng-sản Việt-nam đã ra qui-định chính-tả áp-dụng chung cho cả nước. Đây chẳng phải là một sáng-kiến mới-mẻ gì của đảng cộng-sản cầm quyền, mà chỉ là nỗ-lực thống-nhất lối viết chính-tả theo những qui-tắc truyền-thống và hợp lí đã có từ lâu. Tiếc rằng dân ta ít người quan tâm nên vẫn để cho thói-quen con mắt hướng-dẫn.
Luật chính-tả về chữ y hay i được tóm-tắt như sau :
Viết Y trong những trường-hợp sau :
1) khi tổ hợp-âm / iê / ở đầu một tiếng . Ví-dụ : yên, yêu, yết.
2) trong các tổ hợp-âm chúm môi / ui / và / uiê / (viết là uy, uyê, uya). Ví-dụ : uy, chuyện, khuya, nguy, tuy. Một luật trừ : ma quỉ (nhưng ở đây cần đế ý dấu [?] bỏ trên nguyên-âm i ).
3) ở sau âm ngắn của a [trong chính-tả hiện nay cũng viết bằng đồ-vị / a /, và âm ngắn của ơ (tức đồ-vị / â /]. Ví-dụ : cay, dày, đây, mây
Viết I trong những trường-hợp :
4) khi âm / i / là nguyên-âm, hay là phần âm chính của âm-tiết. Ví-dụ: ỉ, bí, chim, hí, kìm, lì, lính, sĩ-diện, tị, vì, vinh, í-tứ.
5) Khi âm / i / là âm cuối, đứng sau phần âm chính ở thể thường, để khép âm-tiết. Ví-dụ: người, ngùi, đói, củi, hời, trai.
Những qui-tắc 1, 2, 3, 5 chẳng có vấn-đề. Cái làm nhiều người “không quen mắt” hay “ngứa mắt” là nơi qui-tắc 4.
Tại sao ta không thắc-mắc gì trước: lợn-ỉ, li-bì, âm-ỉ, đi ỉa, mì-chính, (cái) gì, dì (dượng), vì (sao) v.v. , trong khi đó lại thấy ngứa mắt khi đọc: (nhà) Lí, í (-kiến), ỉ (-lại), i (-thị), lí (-trí), í (-tứ)…

        Đối với người miền Nam, chuyện “ngứa mắt” này đến từ một thói-quen chủ-yếu do ông Đào Duy Anh với cuốn Hán Việt Từ Điển ông làm năm 1931 gây nên. Tự-điển họ Đào được làm cùng thời với tự-điển của Hội khai trí tiến đức. Họ Đào bỏ qui-tắc đã có và quay ra viết các từ hán-việt có âm / i / thành chữ / y / làm âm chính. Ông nhất loạt viết Y trong các tiếng đứng đầu âm-tiết: y (-phục), ỷ (-lại), hoặc các từ có phụ-âm đầu là h, k, l, m, q, t. Hán Việt Từ Điển được Bộ giáo-dục Việt-nam Cộng-hoà trước đây chấp-nhận dùng ngang với cuốn tự-điển Việt Nam Từ Điển của Khai trí tiến đức. Vì thế mới xẩy ra cảnh lộn-xộn tới nay.
        Nhưng về mặt ngữ-âm, không có lí-do gì để tách số từ-vựng hán-việt (cho dù số từ-vựng này và những từ có phụ-âm đầu là h, k, l, m, q, t có lượng khá lớn trong tiếng Việt) ra khỏi luật chính-tả chung cả. Có người bảo vì lí-do thẩm-mĩ nên đổi /i/ ra /y/ cho dễ… coi ! Chẳng hạn Nhà Lí hay cô (Lệ-) Lí viết với y dài (Lý) thì “sang” hay “cân-đối” hơn ! Cũng có người bảo vì cùng một từ mà có hai nghĩa khác nhau nên đổi lối viết đi cho dễ phân-biệt: li (-ti), ly (chén) ! Với những lối lí-luận như thế thì nói sao cho cùng, thì chẳng cần đặt ra qui-luật chung gì nữa cả.
        Trên đây là tôi tóm-tắt một đoạn từ bài “Nói thêm về chữ i và y trong chính tả tiếng Việt” của Đoàn Xuân Kiên (Anh quốc) đăng trong Định Hướng, số 32 (mùa thu 2002). Ông Kiên còn có một bài nữa cùng đề-tài đăng trong Định hướng số 15. Ở hải-ngoại không biết còn có ai quan-tâm vấn-đề chính-tả này nữa không, nhưng tôi chỉ đọc được các bài của tác-giả Đoàn Xuân Kiên mà thôi. Ông Kiên và hai người nữa là một nhóm nhà giáo thực-hiện chương-trình làm sách giáo-khoa dạy tiếng Việt cho các trường lớp ở Hoà-lan, chương-trình do Bộ giáo-dục Hoà-lan chủ-xướng và tài-trợ. Độc-giả tìm đọc các bài của ông Kiên đăng đều-đặn trong Định hướng thì rõ hơn.
        Như vậy thì việc phàn-nàn cho rằng tôi viết lập-dị và làm vẫn đục sự trong-sáng của tiếng Việt là không có cơ-sở. Mà trái lại, tôi đang cố-gắng tuân-thủ những qui-tắc chính-tả đã có và hiện đang được công-quyền cổ-xuý. Thực ra, trong các bài viết cho tới nay, tôi chưa áp-dụng triệt-để qui-tắc số 4 trên. Trong tương-lai, một số độc-giả có-thể “lạ mắt” thêm về cách viết một vài từ-ngữ nữa. Tôi muốn được quí vị rộng lòng thông-cảm trước, vì tôi không thể không viết những gì mà tôi hiện cho là đúng.
        Dĩ-nhiên bác Cẩn và quí độc-giả có-thể viện-dẫn các tài-liệu nghiên-cứu (có thể có) khác để bác-bỏ quan-điểm của tôi và biện-minh cho lối viết đã quen của mình. Vì đất-nước chúng ta không có một cơ-quan được trao thẩm-quyền về lãnh-vực này, như kiểu Académie franÇaise ở Pháp, hay không có một cuốn tự-điển được chính-thức công-nhận làm chuẩn, như tự-điển Duden ở Đức chẳng hạn, nên vấn-đề ai đúng ai sai của ta (vốn đơn-giản) trở thành không đơn-giản. Bình-thường, trong hoàn-cảnh “vô chủ” như vậy, thì công-quyền (cụ-thể là Bộ giáo-dục) có thẩm-quyền quyết-định mọi chuyện liên-quan. Nhưng đất-nước ta lại rơi vào một cái không may thứ hai, là công-quyền đã bị đảng cộng-sản chiếm-đoạt và nắm giữ một cách bất chính, nên những hô-hào của đảng nhà-nước này chẳng mấy ai quan-tâm. Nhìn vào tình-trạng bát-nháo và rừng-rú của tiếng Việt hiện nay ở trong nước, ta lại càng thêm lí-do để nghi-ngờ và không tin-tưởng.
        Ở Đức, cách đây mấy năm, hội-đồng các bộ trưởng giáo-dục toàn liên-bang quyết-định cải-tổ một số qui-tắc chính-tả tiếng Đức và cho hạn thử-nghiệm tới năm 2005. Các nhà xuất-bản, các nhà tự-điển, sách giáo-khoa… đã đổ ra hàng trăm triệu đồng để cập-nhật những thay-đổi, trong khi đó một số nhà văn nổi danh và một số nhật báo và tạp-chí có uy-tín phản-đối, họ vẫn tiếp-tục lối viết chính-tả như cũ. Nhưng đầu năm 2006 này, hội-đồng các bộ trưởng giáo-dục họp chung-quyết, rút lại một vài điểm sửa-đổi (có nghĩa là các nhà xuất-bản lại phải đổ ra hàng trăm triệu đồng nữa để tái cập-nhật những sửa-đổi) và chấm dứt thời-gian thử-nghiệm. Mà những thay-đổi có lớn-lao gì cho cam. Tiếng Đức là một loại ngôn-ngữ dùng nhiều từ ghép. Chẳng hạn: Schiff = tàu thuỷ; Fahrt = chuyến đi, chuyến du-hành; ghép lại thành Schifffahrt có nghĩa: chuyến hải-hành (chuyến đi bằng tàu thuỷ). Trước đây, vì từ ghép Schifffahrt có tới 3 chữ fff nên Uỷ-ban cải-tổ bảo bỏ bớt đi một cho “đơn-giàn”, cho khỏi “ngứa mắt”. Nay cuối cùng lại phải quay trở về với 3 chữ fff cho đúng với nguyên ngữ! Eis = băng (tuyết); laufen = chạy, trượt. Hàng trăm năm nay người ta có động-từ eislaufen = trượt băng (thể-thao/nghệ-thuật). Chương-trình cải-tổ vừa rồi bắt phải viết rời ra thành hai từ: Eis và laufen cho hợp lí, nhưng cuối cùng lại phải trở về với lối viết một từ eislaufen, cũng là để cho… hợp lí! Ta có thể diễn trường-hợp này theo tiếng Việt như sau: trước đây chữ “trượt-băng” có gạnh nối ở giữa vì nó nguyên là một từ. Sau đó dấu nối được yêu-cầu xoá đi để trở thành hai chữ, vì trượt là động-từ và băng là danh-từ, hai từ với hai nghĩa riêng không thể nhập một. Nhưng nay, sau khi chung-quyết, “trượt-băng” lại trở về dạng một chữ, vì người ta lí-luận đây là một từ chỉ một ý-niệm riêng-biệt (trượt-băng thể-thao/nghệ-thuật, chứ không phải là trượt-vỏ chuối, chẳng hạn)!!
        Hai thí-dụ để giúp vui độc-giả. Điều tôi muốn nói, là sau khi hội-đồng các bộ-trưởng giáo-dục Đức đã lấy quyết-định chung quyết rồi thì mọi người cả nước phải theo, dù ông là nhà văn được giải Nobel hay dù bà là một nhật báo đứng hàng nhất nhì trong nước. Từ nay, ai không theo qui-luật chính-tả đã được đề ra, đương-nhiên bị đào-thải, sách viết chẳng nhà-xuất-bản nào in.
        Xem đó thì quả bất hạnh cho dân Đức mà may cho dân ta thật! Nước ta, nhờ “dân-chủ và tự-do gấp triệu lần tư-bản” nên chẳng ai bị trói-buộc bởi luật-lệ gì cả !
Augsburg, ngày 04.04.2006