THƯ TÒA SOẠN

 

Khi số báo này tới tay quý độc giả thì dư âm của những Ngày Giới Trẻ Thế Giới (WYD) lần thứ 23 ở Úc Châu vẫn còn vang vọng khắp nơi, ghi dấu một biến cố lớn trong lòng Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ. Với Giáo Hội Việt Nam, cách riêng với những người trẻ ở trong cũng như ngoài nước, biến cố có một không hai này nói lên thật nhiều điều, khi chúng ta nhìn lại những sự kiện liên quan diễn ra trước đó, rồi đem đối chiếu với những diễn tiến bất ngờ và quan trọng trong những ngày này.

Nếu chuyện ‘ôn cố tri tân’ vốn là điều cần thiết trong đời thường, giúp con người rút tỉa được những kinh nghiệm quý giá sau những lần vấp ngã, thì nó cũng quan trọng không kém trong đời sống tâm linh hay tôn giáo.

Lá thư của đức HY Phạm Minh Mẫn gửi ba GM trong nước được “Tiếng Vọng Gioan Baotixita” qua cái dù của mạng lưới Công Giáo Việt Nam phổ biến rộng rãi ra hải ngoại hôm 04-6 vừa qua (và ngay sau đó được sự tiếp tay của VietCatholic) đã tạo nên một cơn chấn động mạnh mẽ trong cộng đồng người Việt tị nạn, trong đó có tập thể Công Giáo. Mượn gió bẻ măng, một thiểu số những cây bút bất lương đã lợi dụng cơ hội để đồng hóa việc làm thiếu suy nghĩ của HY Mẫn với người Công Giáo và nói chung với Giáo Hội Công Giáo. Trên Diễn Đàn Giáo Dân số 80 phát hành tháng 7-2008, độc giả đã có dịp theo dõi quan điểm của tờ báo đối với nội dung lá thư này và trên số báo tháng 8 quý vị đang có trên tay, chúng tôi đặc biệt giới thiệu cùng độc giả bài viết của giáo sư Đinh Từ Thức, một trí giả Công Giáo và là một nhà bình luận sâu sắc trên các báo lớn ở Sàigòn trước tháng 4-75. Cạnh đó là lá thư của nhà văn Công Giáo Hà Thúc sinh gửi HY Mẫn cùng với những suy tư của hai linh mục Nguyễn Hữu Lễ và Ngô Tôn Huấn.

 

Hậu quả do lá thư kể trên gây ra đã làm đau lòng nhiều người, nhiều giới. Tuy nhiên, nó cũng mang lại nhiều dấu chỉ tích cực. Thứ nhất nó là một lời cảnh giác nghiêm khắc đòi buộc những người có trách nhiệm trong Giáo Hội cần phải thận trọng hơn mỗi khi lên tiếng về những vấn đề nhậy cảm. Riêng đối với những ai vì sợ hãi hoặc vì đã trót cam tâm làm tôi hai chủ thì đây chính là một cơ hội để biết ăn năn xám hối trước khi quá trễ. Bài học lớn cho những thành phần này có thể tìm thấy qua hai bài thơ được viết vào cuối đời của thi sĩ Chế Lan Viên, một nhà thơ lớn và cũng là một trong những công thần của chế độ được chọn đăng trên Diễn Đàn Giáo Dân số này. Khía cạnh tích cực thứ hai là giúp cho không chỉ tác giả lá thư, các chức phẩm khác trong các tôn giáo, mà ngay cả những tay đầu sỏ trong guồng máy cầm quyền Hànội thấy được lập trường, ý chí và sức mạnh vạn năng của tập thể người Việt tị nạn ở hải ngoại. Nó không giống như cách đánh giá mù lòa của Nguyễn Tấn Dũng khi trâng tráo nói rằng những người Việt tị nạn chống đối nhà nước và chế độ CSVN chỉ đếm trên số trăm (!) trong chuyến viếng thăm cầu cạnh mới đây của y ở Hoa Thịnh Đốn..

Khi chế độ muốn mượn uy thế một chức sắc cao cấp trong GHCGVN để mong triệt hạ lá cờ vàng biểu tượng cho tinh thần yêu chuộng tự do, chống lại độc tài của tập thể mấy triệu người Việt Nam tị nạn nhân Ngày Giới Trẻ Thế Giới (WYD) lần thứ 23 ở Úc, thì kết quả diễn ra đã hoàn toàn trái ngược.

Nó đã trở thành ngón đòn phản chủ, một thứ “gậy ông dập lưng ông”!

Còn nhớ, trong những dịp tập hợp của những người trẻ ở Pháp, ở Hoa Kỳ, ở Canada, ở Đức trong những Ngày Giới Trẻ Thế Giới trước đây, những lá cờ vàng ba sọc đỏ chỉ xuất hiện mang tính bất ngờ và cá nhân, cục bộ. Thế mà lần này lá cờ thân thương biểu tượng cho lòng khao khát tự do, dân chủ và là căn cước của tập thể tị nạn cộng sản ấy đã nghiễm nhiên xuất hiện một cách công khai bên cạnh quốc kỳ của 168 quốc gia bạn trên thế giới trong nghi thức rước cờ trang trọng nhân buổi lể khai mạc WYD chiều Thứ Ba 15-7 vừa qua tại Sydney, Úc Đại Lợi. Nó còn được những người trẻ và một số linh mục trong phái đoàn từ trong nước tham dự ĐH khoác lên mình. Và cao điểm là hình tượng và màu sắc lá cờ dưới dạng chiếc khăn quàng cổ đã xuất hiện trên vai Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI khi chiếc tàu chở Ngài cập bến trước sự chào đón tưng bừng hoan lạc của mấy trăm ngàn người trẻ và thủ lãnh các tôn giáo, chính trị thế giới.

Tất cả những hình ảnh ấy đã được các cơ quan truyền thâng hiện đại truyền đi và được hàng tỷ ngưới trên địa càu theo dõi trong những ngày cuối trung tuần tháng 7 vừa qua. Một phần những hình ảnh này được Diễn Đàn Giáo Dân đưa lên bìa và những trang báo số 81. Chấp nhận tốn kém -vào lúc DĐGD vừa phải chi phí nhiều cho cuộc Hội Ngộ nhân lễ kính Thánh Bổn Mạng Thomas More đồng thời kỷ niệm đệ thất chu niên, cùng với việc mua sắm thêm trang cụ cho chương trình truyền hình hàng tháng và hoàn chỉnh trang web-, để có thể gửi tới độc giả những hình ảnh sống động, đầy màu sắc về Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2008, số này, nhóm chủ trương quyết định bớt quảng cáo trên trang bìa sau, đồng thời in thêm một số trang offset bốn màu.

Sứ điệp của ĐTC gửi những người trẻ và thế giới trong Ngày Giới Trẻ được Diễn Đàn Giáo Dân tổng hợp trong số báo này.

Để nắm bắt được những suy tư của công luận về những nét đặc sắc trong Ngày Giới Trẻ Thế giới ở Úc năm nay, mời độc giả theo dõi bài Viết Từ Canada của nhà báo Mặc Giao, các bài ký sự, nhận định độc đáo của các đặc phái viên nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân Hồ Quỳnh Uyển, Thanh Hà, những người bám sát biến cố này từ đầu đến cuối.

Một sự kiện tuy nhỏ nhưng chứng tỏ những con người thiện chí luôn biết phục thiện, biết nhìn ra sự thật để lên tiếng nhận những sai sót, lầm lẫn của mình. Chúng tôi muốn nói tới quyết định rút bỏ lá thư sau vài ngày công bố và nhất là hành vi công khai viết thư xin lỗi công luận của BBT Công Giáo Việt Nam –cho dù những anh chị em chủ trương trang lưới này không có lỗi gì-, đã nói lên điều ấy. Để nắm bắt được vấn đề, mời quý độc giả đọc bài viết của tác giả Lê Thiên chung quanh sự kiện vừa kể.

 

Một vấn đề thời sự lớn trong tháng qua được cả thế giới theo dõi. Đó là sự viên tịch của Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, một Giáo Hội đang chịu sự trù giập của đảng và nhà nước cộng sản. Dù chế độ tìm hết cách ngăn cản và phá hoại, nhưng cuối cùng chính nghĩa đã thắng: tang lễ của Ngài đã được GHPGVNTN đứng ra cử hành một cách nghiêm trang với sự tham dự đông đảo các Tăng Ni và tín đồ trong Giáo Hội. Mời độc giả theo dõi bài viết của nhà báo Lý Đại Nguyên, những tin tức hình ảnh liên hệ và lời Phân Ưu của Diễn Đàn cùng một số linh mục ở quốc nội trên số báo này.

DIỄN ĐÀN GIÁO DÂN