NĂM TÝ NÓI CHUYỆN CHUỘT

HOÀNG GIANG

 

Theo lịch Tầu và lịch ta, mỗi năm mang tên một con vật. Năm nay là năm con chuột, tức năm Tý. Nói cho đầy đủ theo tiếng Hán Việt là năm Mậu Tý.

 

Tại sao phải có chữ Mậu đi trước chữ Tý?

Chúng ta đã bị Trung Hoa đô hộ một ngàn năm, sau đó, trong thời tự chủ, giới trí thức Việt Nam cũng là đệ tử của Khổng Mạnh, vua quan cũng tổ chức guồng máy quốc gia theo kiểu Trung Hoa, nên văn hóa của nước láng giềng phương Bắc đã ảnh hưởng rất nặng vào nếp sống của người Việt Nam, dù chúng ta vẫn có nhiều điều khác và vẫn giữ được đặc tính của dân tộc Việt. Trong cách tính toán sự vận hành của thời gian, chúng ta cũng dựa theo cách của người Trung Hoa. Tính theo trời thì có Thiên Can, tức là mười nhánh của Trời, gồm có: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Tân, Nhâm, Canh, Qúy. Tính theo đất thì có Thập Nhị Địa Chi, tức Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Mỗi chi dùng một con vật làm tượng trưng. Riêng năm Mão, người Việt Nam dùng con mèo, người Trung Hoa lại gọi đó là năm con thỏ. Để gọi tên mỗi năm, người ta phải lấy một Can ghép trước một Chi. Thí dụ: ĐINH Hợi, Mậu Tý. Dân thường thì coi lối ghép này khó hiểu, nặng tính mê tín. Mấy vị thâm Nho thì lại ca ngơi lối đặt tên có cả trời cả đất như vậy là biết hướng thượng, biết hòa mình cùng trời đất, biết sống theo thuyết Tam Tài: thiên, địa, nhân. Thiên sinh, địa dưỡng, nhân hòa. Người chính là đức của trời đất (Nhân giả kỳ thiên địa chi đức). Vì vậy, khi đặt tên năm thì phải dùng cả Can của trời lẫn Chi của đất để hài hòa với con người ở giữa.

Người ta thường tin là ai sinh năm nào thì chịu ảnh hưởng của con vật mang tên năm đó. Thí dụ ai sinh năm Sửu thì vất vả vì là tuổi trâu, ai sinh năm heo thì nhàn, ai sinh năm cọp thì dữ, ai sinh năm rồng thì số tốt vì là số vua v.v... Riêng năm con chuột, người ta tin đẻ con trai rất tốt vì thấy có nhiều người đàn ông làm lớn sinh trong năm Tý. Thí dụ cụ thể nhất là cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu sinh vào giờ Tý, ngày Tý, tháng Tý, năm Tý. Có điều thắc mắc là có nhiều trẻ trai khác cũng được sinh ra cùng ngày giờ năm tháng Tý, tại sao chỉ có mình Ông Thiệu làm tổng thống? Lúc đó mấy thầy lại tán rằng Tý nhưng phải là Tý nào, Mậu Tý hay Giáp Tý? Dù cùng can cùng chi nhưng khác nhau chỗ sinh, khác phong thủy, hay có người thân trong nhà khắc tuổi thì vận mệnh hẳn khác nhau. Ngay tuổi trâu, sinh ban ngày mới vất vả vì phải đi cầy, còn sinh ban đêm thì nhàn, vì chỉ việc nằm nhai rơm, cỏ. Cái gì các thầy cũng giải thích được, chẳng biết lối nào mà lần.

Các thầy còn tán rằng chuột cũng có hai thứ: chuột nhắt và chuột đồng. Chuột nhắt là loại chuột bé tí teo, sống trong nhà, nhất là trong xó bếp để dễ kiếm cơm thừa, canh cặn, lục niêu, lục nồi. Các thầy nói thứ chuột này đã thành người thân trong gia đình, rất trung thành, có đuổi cũng chỉ chạy, không chịu bỏ đi. Vì vậy chúng ta nên phát tâm từ bi hỷ xả mà nuôi chuột, nên dành chút lương thực cho chúng mỗi ngày, đừng nhẫn tâm đặt bẫy hay cho “những người thân” này sơi bả chuột. Ác nhân lắm! Hạnh Thánh Martin de Pores, người da đen, gốc châu Mỹ La Tinh, kể rằng thánh nhân là một thầy tu được giao nhiệm vụ coi bếp cho nhà dòng. Các chú chuột thấy thầy hiền lành, mỗi tối kéo tới cả sư đoàn để được thầy cho ăn, nhẩy múa và ca hát chít chít với chúng. Khi cha bề trên khám phá ra, ngài ra lệnh cho thầy Martin phải di tản lập tức đoàn chuột ra khỏi nhà dòng trong thời gian ngắn nhất. Thầy chờ đến nửa đêm, họp đại hội đồng chuột, báo cáo tình hình khẩn trương, ra lệnh di tản và khuyên anh em không được phá phách một tí gì trên đường rút lui khỏi nhà dòng. Thế là sau giờ Tý canh ba, thầy Martin đi trước dẫn đầu, sư đoàn chuột hàng ngũ chỉnh tề theo sau, vừa hát vừa nhẩy múa, vui vẻ kéo nhau ra cánh đồng, trước sự chứng kiến đầy kinh ngạc của cha bề trên và các tu sĩ khác.

Loại chuột thứ hai là chuột đồng, ăn lúa và sống ngoài trời nên to con. Các thầy tán rằng chuột đồng tượng trưng cho kẻ tung hoành dọc ngang, không chịu ru rú trong xó bếp, nhưng muốn sống tự do giữa nơi trời cao đất rộng. Đến mùa lúa, chuột đồng béo u béo nần. Hồi còn ở Việt Nam, có lần tôi đi máy bay từ Cần Thơ về Sài Gòn. Ngồi cạnh tôi, một bạn đồng nghiệp vác theo một bao bố có vẻ khá nặng. Tôi hỏi anh bao bố đựng gì. Anh cười trả lời: “Chuột lột. Muốn ăn, tôi tặng anh một chục con”. Tôi vội vàng từ chối. Tôi tuổi mèo nhưng rất ngán chuột, nói chi việc ăn thịt chuột. Ông bạn tôi cho biết chuột mùa này đang mập, nông dân bắt về lột da, mổ bụng, rửa sạch và bán cho khách nghiền thịt chuột từng bao bố. Ông tả cách làm chuột bẩy món, nào chuột khià nước dừa, chuột rô-ti, chuột xào lăn, chuột ướp xả nướng than ... đi với vài chai la de lạnh là hết xảy. Chuột sinh sôi nẩy nở rất nhanh, bắt không xuể. Vì vậy ông Trời mới sinh ra rắn để sơi bớt chuột cho mùa màng của nhà nông đỡ thất bát. Hiện nay ở Việt Nam, các “thượng đế” nhậu nhẹt khoái món đặc sản rắn. Người ta săn rắn ráo riết khiến chuột được thảnh thơi ăn lúa và sản xuất hậu duệ. Nông dân kêu Trời nhưng Trời ở cao không nghe.

Ngoài hai loại chuột nhắt và chuột đồng, không thấy các thầy Hán Nho nói gì đến hai thứ chuột khác là chuột chù và chuột cống. Người có lòng thương yêu thú vật cũng ngán hai thứ chuột này. Chuột chù thì hôi. Dân ta muốn chê ai ở dơ thì nói: “Hôi như chuột chù”. Chuột cống thì rất mất vệ sinh vì sống ở dưới cống và ăn đồ phế thải do cống tháo ra. Đây là thứ chuột thành phố, rất dễ truyền bệnh, đặc biệt là bệnh dịch hạch. Có lẽ chuột chù và chuột cống không có “đức tính” nào đáng ca tụng, nên các thầy đánh bài lờ.

Các thầy học rộng tài cao thì lờ. Nhưng người bình dân Việt Nam thì lại kể cho nhau nghe một truyện cổ tích nói về lai lịch của chuột cống. Truyện chuột cống đã được Nguyễn Đổng Chi ghi lại trong cuốn “Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam”, tóm tắt như sau: Ngày xưa, tại Nghệ An, có một chàng trai thi đỗ hương cống. Dân làng trịnh trọng gọi là ông Hương Cống. Vua trọng tài, gọi ông đi làm quan ở nơi xa. Vợ không thể đi theo vì phải ở lại lo quán xuyến việc nhà. Trong nhà có một con chuột đực già trên trăm tuổi đã thành tinh. Lợi dụng lúc ông Hương Cống vắng nhà, chuột yêu tinh biến hình thành Hương Cống giả, thỉnh thoảng đến ăn ngủ với vợ Hương Cống thật, nói dối là được phép về thăm nhà. Sau nhiều lần du dương mí nhau, hai người có một bé gái. Khi ông Hương Cống thật trở về nhà, vợ ông và làng xóm đều kinh ngạc vì thấy có hai ông Hương Cống giống nhau như đúc. Thật giả không cách chi phân biệt. Nội vụ phải trình lên quan trên xét xử. Sau khi lấy lời khai của các đương sự và nhân chứng, quan tòa ghi nhận  từ ngày ông Hương Cống đi làm quan xa, con chuột già của gia đình cũng biến mất. Từ sự kiện này, quan cho rằng trong hai ông Hương Cống, phải có một ông do chuột yêu tinh biến dạng mà thành.. Quan cho mời đến công đường một phù thủy cao tay. Thầy phù thủy vừa bắt quyết “linh miêu” vừa đọc thần chú “bổ thử”. Chỉ trong giây lát, ông Hương Cống giả và bé gái con của ông biến thành chuột và chết ngay tại sân tòa. Từ đó người ta gọi những con chuột bự và già là chuột cống. Bài học luân lý của truyện này là là kẻ thân tín trong nhà cũng có thể trở thành kẻ phản bội, kẻ được thi ân quay lại làm hại người gia ân. Nhưng mọi việc trên đời đều có nhân có qủa. Những kẻ ác và phản bội có thể thành công lúc đầu, nhưng chẳng chóng thì chầy, họ sẽ bị lột mặt nạ và sẽ bị trừng phạt xứng đáng. Người Việt Nam tin rằng “Trời có mắt”,“Không có Trời ai ở với ai?”

Văn chương bình dân Việt Nam cũng có một bài nói về tình thân thiện giữa mèo và chuột:

      Con mèo mà trèo cây cau

      Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà

      Chú chuột đi chợ đường xa

      Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo

Ai cũng biết mèo và chuột là hai kẻ tử thù. Lúc nào mèo cũng rình để “sơi tái” chuột. Lúc nào chuột cũng chạy trốn nhưng luôn tìm cách “chọc quê” mèo. Người bình dân Việt Nam đặt bài ca dao này để nói dỡn chơi về một điều nghịch lý, hay muốn đưa ra một bài học nhân ái, xóa bỏ hận thù, sống chung hòa bình? Ông cha chúng ta nói năng mộc mạc, không triết lý cao vời, không mượn chữ thánh hiền để “loè” thiên hạ, nhưng tình ý nhiều khi rất sâu xa, không phải chỉ để hát chơi hoặc ru em, mà còn để suy gẫm và dậy con dậy cháu.

Có một con chuột khác nổi tiếng khắp thế giới từ trên nửa thế kỷ nay. Đó là chú chuột Mickey. Chú được nhà làm phim hoạt họa Walt Disney khai sinh. Chú biết nói, biết vui, biết buồn, biết yêu, biết làm đủ thứ trò... trên màn ảnh. Trẻ em yêu chú hết biết. Nhiều người lớn cũng khoái chú luôn. Chià khóa thành công của chú là yêu đời, yêu người, lúc nào cũng vui vẻ, nghịch ngợm nhưng không làm hại ai, có tinh thần phò nguy cứu khốn, trừ gian, diệt bạo. Chú là gương mẫu cho con người. Nếu ai cũng sống như chú thì bốn phương đã được hưởng thái bình từ lâu, không có tư bản bóc lột và không có vô sản chuyên chính.

Thế mới biết con người nhân ái chỉ có trong ước mộng. Thực tế, Chúa, Phật, các thánh nhân, các nhà hiền triết đã mỏi miệng kêu gào và cả ép mình sống làm gương mà nhân loại vẫn bịt tai, ngoảnh mặt, đối xử với nhau nhiều khi không bằng loài thú. Nghĩ thế, chúng ta mới thấy các nhà làm lịch đặt tên năm bằng tên những con vật là sâu sắc vô cùng. Nếu lấy tên các “vĩ nhân” như Tần Thủy Hoàng, Staline, Hitler, Bác Mao, Bác Hồ... mà đặt tên cho năm thì chắc chắn những tên tuổi đó sẽ bị nhân gian lầu bầu là chỉ đem lại vận xui, không bằng thứ đồ chuột, đồ heo, đồ chó...

 

Tết Con Chuột 2008