Giải Đáp Giáo Lý

LÀM SAO ĐỂ XỨNG ĐÁNG HƯỞNG LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA CHÚA?

Lm Fx Ngô Tôn Huấn

 

Hỏi: xin Cha giải thich rõ về lòng thương xót của Chúa, và phải làm gì để xứng đáng được Chúa thương xót?

Trả lời: Khi công bố Năm Thánh Lòng Thương xót Chúa cho toàn thể Giáo Hội, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mong muốn cho mọi người chúng ta suy niêm sâu xa thêm về lòng thương xót của Chúa dành cho hết mọi người chúng ta, để từ đó thêm biết yêu mến Chúa hơn để đáp lại lòng thương xót của Người.

Thật vậy, chỉ vì thương xót mà Thiên Chúa đã tạo dựng và cứu chuộc con người nhờ Chúa Cứu Thế Giêsu, Đấng cũng vì yêu thương con người mà đã hạ mình xuống trần gian làm Con Người để "hy sinh hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người" (Mt 20:28). Nghĩa là Thiên Chúa tuyệt đối không có lợi lộc gì mà phải tạo dựng và cứu chuộc con người. Người tạo dựng và cứu chuộc con người chỉ vì thương xót vô vị lợi mà thôi. Người thương xót vì bản tính của Người là yêu thương, và vô cùng nhân hậu. Chúa Giê-su Kitô chính là hiện thân của lòng thương xót vô vị lợi đó. Chúa đến trần gian, vác thập giá quá nặng và chết thê thảm trên đó cùng chỉ vì yêu thương nhân loại tội lỗi, nên đã vui lòng chịu mọi khốn khó để đền tội thay cho con người. Khi bị treo trên thập giá, Chúa đã không thốt ra một lời oán trách những kẻ đã hành hạ, xỉ nhục và đóng đanh Người. Trái lại, Chúa còn cầu xin và tha thứ cho chúng nữa: "Lậy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm !" (Lc 23: 34)

Chúng đánh cho nhừ tử, lấy vòng gai đội lên đầu, lột hết quần áo ra và đóng đanh chân tay vào thập giá như vậy mà Chúa còn bênh vực cho chúng là chúng không biết việc mình làm thì quả thật là quá yêu thương, tha thứ không bờ bến!

Thử hỏi: "còn tình thương và lòng thương xót nào cao cả và lớn hơn tình thương của người đã hiến mạng sống mình vì bạn hữu." (Ga 15:13)

Chúa coi tất cả mọi người chúng ta là bạn hữu nghĩa thiết của Người, mặc dù chúng ta là người tội lỗi và không hề có công trạng và lợi lộc gì cho Chúa khiến Người phải cầu cận chúng ta như vậy. Đó là điều chúng ta phải tin chắc để không bao giờ có thể nghĩ là Chúa được lợi lộc gì khi yêu thương và chết thay cho nhân loại.

Phải xác tín điều này thì mới thấy lòng thương xót của Chúa dành cho loài người chúng ta sâu thẳm biết chừng nào. Và chắc chắn chúng ta không thể đền đáp lại cách cân xứng tình yêu và lòng thương xót (love and mercy) ấy của Thiên Chúa thể hiện cụ thể nơi Chúa Kitô, Đấng đã vui lòng chịu khổ nạn thập giá cách nay trên 2000 năm để hòa giải con người với Thiên Chúa Cha, và cho chúng ta hy vọng được cứu rỗi để vào Nước Trời vui hưởng hạnh phúc bất diệt mai sau.

Phải nói là có hy vọng thôi chứ không bảo đảm chắc 100%, không phải vì công nghiệp cứu chuộc vô giá của Chúa Kitô chưa đủ cho ta được cứu rỗi, mà vì con người còn có ý muốn tự do (free will) mà Thiên Chúa đã ban tặng và tôn trọng cho con người xử dụng. Nghĩa là nếu ta dùng tự do này để sống theo đường lối của Chúa và bước đi theo Chúa Kitô là "Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống." (Ga 14: 6) thì chắc chắn ta sẽ được cứu rỗi để sống đời đời với Chúa trên cõi vĩnh hằng. Ngược lại, nêu ai dùng tự do để khước từ Thiên Chúa và tình thương của Người, để sống theo ý muốn riêng của mình, đầu hàng ma quỉ và thỏa hiệp với thế gian vô luân, vô đạo, thì Chúa sẽ không can thiệp, ngăn cản, nhưng kẻ đó sẽ phải chịu mọi hậu quả của việc tự do lựa chọn này.

Cụ thể, những kẻ đang làm những sự dữ như giết người, giết thai nhi rồi đem bán các cơ phận của thai nhi như những món hàng thương mại mà bọn Planned Parenthood (tổ chức chuyên giúp phá thai hợp pháp ở Mỹ) đang làm ở Mỹ, bọn quá khich Hồi Giáo (ISIS) đang chặt đầu con tin, hiếp dâm phụ nữ và trẻ em, bắt cóc và thủ tiêu những Kitô hữu thiểu số ở Trung Đông, cùng bọn buôn bán phụ nữ và trẻ nữ để cung cấp cho bọn ma cô tú bà hành nghề mãi dâm và ấu dâm rất khốn nạn…thì làm sao chúng có thể được hưởng lòng thương xót của Chúa và được cứu rỗi để vào Nước Trời, nếu chúng không kíp sám hối, từ bỏ con đường tội lỗi, gian ác nói trên.

Lại nữa, những kẻ tham quyền cố vị, cố bám lấy quyền lực cai trị để vơ vét của cải, tiền bạc trong khi duy trì sự bất công, bóc lột thống khổ, nghèo đói cho đa số người dân chẳng may rơi vào vòng cai trị độc ác của chúng thì làm sao bọn này có thể được cứu rỗi nếu chúng không kíp ăn năn và từ bỏ tham vọng cai trị gian ác của chúng?

Thiên Chúa là tình yêu và giầu lòng thương xót. Nhưng chắc chắn tình yêu và lòng thương xót này không thể bao che cho những kẻ làm những sự dữ trên đây.

Mặt khác, công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô sẽ trở nên hoàn toàn vô ích cho những ai cứ dùng tự do của mình để làm những sự dữ mà không hề biết sám hối và từ bỏ cách sống tội lỗi của họ.

Tội lỗi là một thực thể không ai có thể phủ nhận được ở trần gian này. Tội là cản trở duy nhất cho con người đến cùng Thiên Chúa là Đấng gớm ghét mọi tội lỗi, vì nó xúc phạm nặng nề đến bản chất tốt lành, thương xót và thánh thiện của Người.

Cũng vì tôi của con người mà Chúa Kitô đã phải chịu mọi khốn khó, vác thập giá quá nặng và chết thê thảm trên đó để đền tội thay cho nhân loại.

Nhưng công nghiệp cứu chuộc vô giá này của Chúa cùng với lòng thương xót vô biên của Chúa Cha vẫn trở nên vô ích cho những ai không cố gắng xa tránh tội lỗi, từ bỏ ma quỷ, là kẻ thù luôn cám dỗ cho con người phạm tội mất lòng Chúa và mất hy vọng được cứu rỗi. Nghĩa là lòng thương xót của Thiên Chúa và công nghiệp cực trọng của Chúa Kitô không thể bao che hay dung thứ cho con người cứ ngoan cố phạm tội, cứ làm sự dữ, cứ chạy theo quyến rũ của ma quỉ và thế gian.

Nói khác đi, không thể lấy cớ là Chúa thương xót, tha thứ hết nên không cần phải làm gì nữa về phía con người. Chúa thương xót và giầu lòng tha thứ: đúng. Nhưng con người vẫn cần phải tỏ thiện chí muốn sống theo đường lối của Chúa qua quyết tâm từ bỏ tội lỗi đến từ ma quỉ và thế gian. Nếu không có quyết tâm này thì Chúa không thể cứu ai được, dù Chúa là tình thường và Chúa Kitô đã chết để đền tội thay cho con người. Chính vì con người còn có tự do như đã nói ở trên, nên ai dùng tự do này để yêu mến Chúa trên hết mọi sự và thành tâm xa tránh tội lỗi thì sẽ được chúc phúc và cứu độ. Đó là lý do tại sao Thiên Chúa đã than trách dân Do Thái xưa kia trong thời Cựu Ước như sau:

"Suốt bốn mươi năm dòng giống này làm Ta chán ngán.

Ta đã nói: đây là dân tâm hồn lầm lạc.

Chúng nào biết đến đường lối của Ta.

Nên Ta mới thịnh nộ thề rằng:

Chúng sẽ không được vào chốn yên nghỉ của Ta." (Tv 95: 10-11)

Thiên Chúa than trách vì dân Do Thái đã mau quên ơn Người đã qua tay ông Mô Sê, giải phóng cho họ khỏi ách nô lệ bên Ai Cập, trở về quê hương để vào Đất Hứa tràn đầy "sữa và mật ong". Nhưng trong khi chờ đơi để được chiếm hữu Đất Hứa, họ đã quay lưng lại với Thiên Chúa và phạm nhiều tội khiến Chúa phải than trách họ như trên. Nếu Chúa không cần sự cộng tác và vâng phục của họ, thì Chúa đã không trách mắng họ như thế.

Cũng vì lý do đó mà Ông Mô-sê đã đưa ra lời khuyên dạy sau đây cho dân Do Thái khi họ đang sống trong hoang địa xưa kia:

"Hãy xem, hôm nay tôi đưa ra cho anh em chọn: hoặc được chúc phúc hay bị nguyền rủa, Anh em sẽ được chúc phúc nếu vâng nghe những mệnh lệnh của ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em mà tôi truyền cho anh em hôm nay. Anh em sẽ bị nguyền rủa nếu không vâng nghe những mệnh lệnh của ĐỨC CHÚA" (Đnl 11: 26-28)

Khi Chúa Giêsu đến trần gian rao giảng Tin Mừng Cứu độ, Chúa cũng nói với các môn đệ Người như sau:

"không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lậy Chúa, Lậy Chúa là được vào Nước Trời cả dâu, mà chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi." (Mt 7: 21)

Thi hành ý muốn của Cha trên Trời có nghĩa là tuân giữ và thực thi Mười Điều Răn của Chúa, tóm gọn trong hai điều răn lớn nhất là mến Chúa và yêu người, để chứng minh lòng yêu mến Chúa thật sự hầu được chúc phúc, như Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ xưa:

"Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy.

Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy.

Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy."

Nói rõ hơn, không thể viện cớ Chúa thương xót để tự do làm những điều trái nghịch với lòng thương xót của Chúa, thì chắc chắn sẽ không đẹp lòng Chúa và xứng đáng được hưởng lòng thương xót ấy.

Dụ ngôn: "Người Cha nhân hậu" trong Tin Mừng Thánh Luca cho ta thấy là người cha mở rộng vòng tay ôm lấy đứa con đi hoang trở về. Nhưng ông cũng thầm nói với con là cha tha cho con lần này và mong con đừng đi hoang thêm lần nào nữa. Hãy ở yên trong nhà cha để được yêu thương và hạnh phúc.

Đó là lý do tại sao sau khi tha thứ cho một phụ nữ ngoại tình bị bọn biệt phái dẫn đến để xin Chúa Giêsu ném đá, Chúa đã nói với chị kia:

"Tôi cũng vậy. Tôi không lên án chị đâu ! Thôi, chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa." (Ga 8: 11)

Như thế đủ cho ta thấy là Chúa đầy lòng yêu thương, tha thứ, nhưng ta không được lợi dụng lòng thương xót nhân từ của Chúa để đi hàng hai là nửa muốn yêu mến Chúa, nửa đi theo thế gian và ma quỉ với mọi sự sang trọng, vui thú chúng tinh quái bày ra để lôi kéo ta vào con đường hư mất đời đời.

Ai có thái độ sống như vậy thì hãy nghe lời cảnh cáo nghiêm khắc sau đây của Chúa Kitô ghi trong Sách Khải Huyền:

"Ta biết các việc người làm. Ngươi chẳng nóng mà cũng chẳng lanh. Phải chi ngươi nóng hẳn hay lạnh hẳn đi. Nhưng vì ngươi hâm hâm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa người ra khỏi miêng Ta." (Kh 3: 15-16) )

Nếu Chúa không cần sự cộng tác của con người vào ơn cứu độ, và để mặc cho ai muốn sống sao cũng được, thì Chúa đã không nói những lời ngăm đe trên đây.

Chúng ta đang sống trong "Năm Thánh Lòng Thương xót" mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã chính thức mở ra trong toàn Giáo Hội từ ngày 8 tháng 12 năm 2015 vừa qua.

Mục đích của Năm Thánh này là mời gọi mọi người tín hữu chúng ta suy niệm thêm về lòng thương xót bao la của Thiên Chúa thể hiện cụ thể nơi Chúa Giêsu-Kitô, Đấng đã đến trần gian để chịu mọi khốn khó đau khổ và chết nhục nhã trên thập giá để cứu chuộc cho muộn người khỏi chết đời đời vì tội. Suy niệm thêm để thêm lòng yêu mến Chúa, hay trở về để đón nhận lòng thương xót tha thứ của Chúa, nếu đang đi hoang, xa lìa tình thương của Chúa.

Ngoài ra, mọi người tín hữu chúng ta cũng được mong đợi thực thi lòng thương xót của Chúa đối với anh chị em đang bất hòa với mình ở trong gia đình và trong tương giao với người khác bên ngoài gia đình. Đây là thời điểm thích hợp để làm hòa và tha thứ cho nhau như Chúa đã yêu thương và tha thứ cho chúng ta.

Nhưng phải hiểu rõ là lòng thương xót của Chúa Cha và công nghiệp cứu chuộc vô giá của Chúa Kitô không bao giờ là cái bình phong cho ai ẩn núp để cứ sống theo những đòi hỏi bất chính của bản năng, những lôi kéo mạnh mẽ của ma quỉ và những mời mọc của thế gian vô luân, vô đạo.

Nếu không có quyêt tâm sống phù hợp với lòng thương xót của Chúa và công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô, thì chắc chắn Chúa sẽ không thể cứu ai được như đã nói ở trên,

Tóm lại, Thiên Chúa nhân từ và hay thương xót. Công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô là quả đủ cho con người được cứu rỗi để sống hạnh phúc vĩnh cứu với Chúa trên Nước Trời mai sau. Nhưng tình thương và công nghiệp ấy không tự động áp dụng cho hết mọi người mà không cần đòi hỏi ai phải làm gì thêm để được hưởng lòng thương xót và công nghiệp ấy. Làm gì thêm có nghĩa là cộng tác với ơn Chúa để sống theo đường lối của Người mà đoạn tuyệt với tội lỗi xuất phát từ bản năng yếu đuối, đến từ ma quỉ và thế gian không tin có Chúa và hạnh phúc Nước Trời.

Năm Thánh Lòng thương xót được mở ra để mời gọi mọi người tín hữu trong Giáo Hội đón nhận lòng thương xót của Chúa và mang lòng thương xót ấy đến với người khác, đặc biệt là những người đang bất hòa với mình.

Xin Chúa của tình thương và giầu lòng thương xót giúp chúng ta sống xứng đáng với lòng thương xót của Người. Amen.