Trang Kinh Tế - Trần Nguyên Thao

Kinh tế 5 năm "hoang tưởng"

Đầu tháng 8, Hanoi đưa ra kế hoạch kinh tế 5 năm đầy "hoang tưởng", theo đó, Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020! Nếu sự xôn xao trong dư luận đi đôi với tiết lộ của tờ Hoàn Cầu Thời Báo (*) là thật, thì đến năm 2020, khi Việt Nam lệ thuộc hoàn toàn vào Tầu, dân Việt Nam sẽ chỉ còn "cái khố để che thân cụ". Trên thực tế, hết năm 2015, Việt Nam chưa với tới mức bình quân đầu người 1500 Đôla mỗi năm. Muốn thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thì mức thu nhập bình quân đầu người ít nhất phải là 10.000 Đôla. Ngôn từ trong kế hoạch kinh tế 5 năm (2016-2020), do ông Nguyễn tấn Dũng, thủ tướng VC công bố là một chuỗi mỹ từ "hô khẩu hiệu"mong ru ngủ dân chúng, mở đường cho Cộng đảng bước vào thế "đi giây" giữa Mỹ và Tầu để chế độ này tiếp tục dựa vào cây súng và nhà tù, theo đuổi gian kế cướp của dân trên cả nước, nhằm hữu sản hóa cho phe nhóm qua chủ trương để 3 triệu đảng viên và thân quyến "khéo đàn áp, cướp bóc, tham nhũng được" thì cùng nhau chia chác. Phe nhóm nào "ăn tham quá" thì bị thanh trừng tù tội.

Trên hai năm trước, khi kinh tế VN còn khá hơn bây giờ, tại hội nghị thường niên lần thứ 44 Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) ở Hà Nội thủ tướng VC, ông Nguyễn Tấn Dũng nhìn nhận: "Đất nước (VN) còn nghèo và tiếp tục cần hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, trong đó có ADB và các nước thành viên". Theo cách nhìn của Ông Dũng vào thời điểm đó, thì còn lâu Hanoi nội mới dám mơ đến "sánh bước" cùng nước láng giềng Thái Lan với thu nhập bình quân mỗi người của họ là 8 ngàn Đôla một năm. Kế hoạch kinh tế 5 năm của Hanoi vẽ ra như hình ảnh một "thiên thai Việt Nam" đang ló rạng, cũng tương tự như chuyện "anh hùng Lê văn Tám"!

Bàn về kế hoạch kinh tế 5 năm của Hanoi, truyền thông phía dân nói toặc ra rằng, Nếu còn "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" thì Việt Nam chỉ ngang ngửa với Nepan, Lào và Kampuchia.

Số liệu của World Bank cho biết, Việt Nam bị hạ mức dự báo tăng trưởng xuống chỉ còn 5.3% cho năm 2013 và 5.4% cho cả hai năm 2014 và 2015. So với các nước có thu nhập đầu người thấp nhất trong vùng thì tỷ lệ tăng trưởng của Việt Nam đang bị tụt hạng nghiêm trọng. Ngay hai nước láng giềng là Lào và Campuchia đều có dự báo tăng trưởng cao hơn Việt Nam: Lào đạt 8% (2011), 8.2% (2012), 8.0% (2013), 7.7 (2014) và 8.1% vào năm 2015. Campuchia có con số tương ứng là 7.1% (2011), 7.3% (2012), và 7.0% cho các năm còn lại.

Trong tư cách Thủ Tướng, ông Dũng chỉ thị mọi cấp "phải bám sát các nghị quyết của đảng, Quốc hội và Chính phủ trong việc xây dụng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm của cả nước." Nhưng yếu tố chủ chốt khiến kinh tế thất bại là Cộng đảng dựa vào cây súng và nhà tù để trấn áp những ai nói khác với Cộng đảng. Mọi sáng tạo, phát minh ngoài đảng đều vô giá trị; chẳng những không được đảng nhìn nhận, mà nhiều phần còn bị cho là phá hoại, đi tù như chơi.

Sau gần 40 năm thống nhất dưới chế độ độc đảng và tàn ngược, Cộng đảng đã sản sinh trong xã hội Việt Nam hai loại "tư bản đỏ" và "đại gia đỏ" ngự trị và bóc lột đại đa số dân chúng khốn cùng. Tư bản đỏ hình thành từ các cấp thuộc 3 triệu đảng viên, tiền từ quyền mà có. Đại gia đỏ là những kẻ "ăn theo", là thân nhân, kẻ có liên hệ xa gần với các quan chức nhà nước, họ không có chức quyền, nhưng là những kẻ "cùng băng làm ăn kinh tài" phục vụ cho kẻ có quyền, nhờ vậy có cơ hội hái ra tiền. Cả hai loại "đỏ" này, đều xuất thân từ "vô sản chuyên chính", và "vô lương tâm"! Nếu thiếu hai yếu tố căn bản này, sẽ không thể làm giàu bằng của bất lương. Hai loại người này được "hữu sản hóa" bằng cách "vô sản hóa" người dân, vơ vét của đất nước, chúng càng giàu thì dân, nước càng nghèo! Dân nghèo còn cơ cực hơn nữa, vì phải đóng thuế để nhà nước trả lương cho 3 triệu đảng viên và các cơ quan an ninh ngoại vi đảng; chưa kể tiền phải "cống nạp" mỗi khi người dân có việc liên quan đến công quyền. Đối với Dân Tộc Việt Nam, cả hai loại "tư bản đỏ" và "đại gia đỏ" đều là kinh tế tội đồ của Dân Tộc.

Một trong những mánh khóe chiếm đoạt của dân, kiếm rất nhiều tiền, được truyền thông phía dân tố cáo, đó là biến đất thành tiền, qua các tiến trình nơi nào cũng làm gần giống nhau: quan to cấp cho kẻ thân thích hay đàn em một khu đất công hay đi cưỡng chiếm của dân qua hình thức "giải tỏa" vì lợi chung của xã hội. Chúng thực hiện việc vẽ họa đồ như một dự án khu công ích, rồi đưa lực lượng an ninh tới cưỡng chế. Thí dụ, khu đất đó giá trị thật là 100 triệu, kẻ có đất sẽ được giới thiệu đến một ngân hàng để "vay vốn đầu tư". Kẻ cấp phát là kẻ có thế lực, sẽ nâng giá trị lên thành 600 triệu, nguyên tắc là được vay tối đa 2/3 trị giá, tức được vay 400 triệu. Cầm tiền vay, chủ đất sẽ trả ngay 100 triệu cho kẻ "cấp đất" (quan to), còn lại 300 triệu, kẻ đó sẽ trả tỷ lệ phần trăm cho các quan ngân hàng và mọi chi phí lặt vặt, tối đa 100 triệu để dàn cảnh đầu tư vào "cơ sở hạ tầng" như san ủi, phân lô, thực hiện dự án...

Số tiền còn lại là 200 triệu, đó là phần thuộc trọn về chủ đất mới, tên vô sản này đã được "hữu sản hóa"! Miếng đất kia vẫn còn đó, với trị giá thật là 100 triệu, tên "tư bản mới" chẳng cần quan tâm đến đất đai hay dự án, vì hắn đã lượm tiền ngon ơ rồi! Tùy theo sự quen nhiều, gốc bự, thì kẻ đó có thể được tái diễn nhiều lần như thế là thành đại gia đỏ!

Khi đất đai đóng băng, tụt giá, không bán buôn gì được, ngân hàng đòi tiền lãi hắn kêu không tiền, cuối cùng ngân hàng đành thu đất, hắn cho thu thoải mái, và ngân hàng... lãnh đủ! Vì cho mượn 400, mà đất thật giá trị chỉ 100. Ngân hàng đành thua lỗ, có chết ai đâu, tiền của dân, có mất cũng kệ. Kẻ cấp đất thì ăn không 100, tên chủ đất thì ăn không 200, nhiều lần tương tự, nghiễm nhiên từ vô sản thành hữu sản, cuối cùng ngân quỹ thủng, tạo nên cái gọi là "khủng hoảng tín dụng bất động sản", và "tín dụng sản xuất"! Một ví dụ điển hình như thế để biết đất nước nghèo vì đâu, kinh tế kiệt quệ vì ai và tại sao có hàng trăm ngàn dân oan lang thang lê gót khắp nơi để khiếu kiện!

Ngân hàng thương mại Việt Nam mang nhiều nợ xấu đến độ không ai biết được là bao nhiêu, gây xôn xao trong công luận. Ngân hàng phải làm giấy tờ gian đảo nợ : vay chỗ này, trả vào chỗ kia. Nợ mới vay có một thời gian theo luật, chưa phải trả, nên chưa gọi là nợ xấu. Cứ đảo qua, lật lại luân phiên, làm cho số liệu nợ xấu trở thành hỏa mù. Các định chế tài chánh quốc tế ước tính nợ xấu VN cao gấp 3 lần số liệu của Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) công bố.

Ngay cả truyền thông phía đảng cũng bối rối về số liệu nợ xấu có nhiều chênh lệch : Từ cuối 2012, nợ xấu khoảng 10%, thanh tra NHNN cho rằng 8,6%  và trong báo cáo tại kỳ họp này là 7,8%. Hồi tháng 3/2012, NHNN thông báo nợ xấu còn 6%. Mới đây, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đưa ra con số 11,8%. .. Ngay tại Quốc Hội VC, đại biểu Nguyễn văn Hiếu nói : Nếu áp dụng thông tư số 02 của NHNN, nợ xấu của 1 ngân hàng từ 2-3% thì con số thật phải là 15% (tăng 5 lần)

Ông Bùi kiến Thành, chuyên gia tài chánh trong nước nói, "NHNN là cơ quan quản lý thì lại thông cảm với các ngân hàng thương mại, thì làm gì chúng ta có con số thật. Con số nào đưa ra cũng là con số ảo cả."

Hồi tháng Hai năm nay, hãng đánh giá tín dụng Moody’s nói, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam ước tính ở mức thấp nhất là 15% tổng tài sản. Con số này cao hơn gấp ba lần số liệu NHNN công bố vào cuối năm ngoái là 4.7%.

Về các con số khác trong nền kinh tế, ông Hiếu rất nghi ngờ "Cho đến giờ này, chúng ta không biết con số thực về hàng tồn kho bất động sản là bao nhiêu. Các số liệu công bố rất khác nhau. 200.000 căn hay 400.000 căn? 83.000 tỷ đồng hay 40.000 tỷ đồng? Nợ công là bao nhiêu? 55% GDP hay 59% GDP và liệu có an toàn? Tại sao mỗi năm hơn 50.000 doanh nghiệp phá sản, số công ty phải giảm quy mô hoạt động ít nhất 30%, vốn đầu tư toàn xã hội càng ngày càng giảm… thế nhưng tạo việc làm mới cứ đều đặn 1,5 đến 1,6 triệu người và tỷ lệ thất nghiệp hàng năm cứ giảm?. Những con số cứ như là được cài đặt vậy!"

Ngân hàng cho nhiều dự án ma vay, làm mất tiền (của dân) quá nhiều, nhưng nhóm quản trị thì vẫn giầu, vì được các chủ dự án ma chia chác. Tình trạng này làm phá sản hàng trăm ngàn công ty tư nhân. Khi có quá nhiều doanh nghiệp phá sản, ngân hàng mất hàng loạt con nợ. Tín dụng đình đốn, ngân hàng đưa tiền sang mua công khố phiếu. Số liệu từ NHNN cho biết, 6 tháng đầu năm 2014, toàn hệ thống tổ chức tín dụng mua 200 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ và tín phiếu kho bạc nhà nước, tương ứng khoảng 90% giá trị trái phiếu và tín phiếu do chính phủ phát hành trong 6 tháng đầu năm. Thay vì tìm kiếm lợi nhuận ở khu vực kinh tế tư nhân, các ngân hàng đang sống nhờ vào chính phủ. Chưa bao giờ thị trường trái phiếu chính phủ lại trở thành điểm sáng trên thị trường tài chính suốt mấy năm qua, đặc biệt từ đầu 2014 đến nay. Đây là chỉ dấu của nền tài chánh bệnh hoạn, làm tan rã khu doanh nghiệp tư nhân, và làm kinh tế tiếp tục ở đáy vực.

Đầu tháng 9 có thêm vòng đàm mới về TPP ngay tại Hanoi, với hy vọng là mọi chuyện sẽ kết thúc vào mùa Đông năm nay. Sang Xuân Hanoi đang ngóng chờ! Năm ngoái, cũng xít xoát thời điểm này, Hanoi cho truyền thông của đảng vẽ tô một bộ mặt đầy tươi sáng cho tương lai kinh tế Xã Hội Chủ Nghĩa khi vào được Hiệp Ước Thương Mai Xuyên Thái Bình Dương TPP, nhưng mọi chuyện không hề diễn ra như mong đợi. TPP về mọi phương diện đang là chiếc phao cuối cùng được nói đến để vực dậy nền kinh tế Việt Nam. Nhưng ngày nay, dân Việt Nam ngày càng hiểu rằng, bao lâu nền kinh tế còn trong tay Cộng đảng thì dù có WTO hay TPP thì cũng chỉ lần lượt vỗ béo cho đám đảng viên qua những mánh khóe ăn cướp của họ một phần được nêu ra trong bài này.◙

TNT, Augst 19-2014